Thúc đẩy nông nghiệp 4.0
Với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Thực tế đã chứng minh, những công ty, hợp tác xã, trang trại của các doanh nghiệp và của cá nhân nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả cao khi tiết kiệm được chi phí, chủ động được kế hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mới đây, có dịp đưa đoàn khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (Kon Plông), khi tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất các loại rau, quả xứ lạnh, các thành viên trong nhóm ai ai cũng trầm trồ, ấn tượng. Chị Huyền, một thành viên trong nhóm cho hay, gia đình chị thường xuyên sử dụng các loại rau sạch được bán ở siêu thị, tuy nhiên do ở phố xá nên đây là lần đầu được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất rau hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 trong cách thức quản lý, sản xuất. Chị rất ấn tượng khi ở một địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và rất nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất. Nhờ vậy nên sản phẩm nông nghiệp ở đây rất bắt mắt, tạo được cảm giác an toàn, đạt tối ưu dinh dưỡng khi thu hoạch.
Chứng minh thêm cho những ấn tượng ban đầu của đoàn khách, đại diện quản lý của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Vifarm cho biết, đơn vị chỉ cần 2-3 công nhân làm các công đoạn cho khoảng 3.000m2 rau các loại trong nhà màng. Công nhân chỉ tác động chủ yếu khi gieo hạt, đưa cây vào các khay. Sau công đoạn này, trong thời gian cây phát triển, chủ yếu nhặt lá, theo dõi quá trình sinh trưởng và chờ đến ngày thu hoạch.
|
Qua tìm hiểu được biết, tất cả các công đoạn sản xuất ở đây đều được tự động. Hệ thống cảm biến (AUT) kết nối với máy tính, điện thoại thông minh sẽ đo được nồng độ dinh dưỡng trong đất, ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ…trong nhà màng. Tùy từng loại cây, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà công nhân điều khiển qua thiết bị. Ví dụ nếu thiết bị đo độ ẩm cao, sẽ điều chỉnh hạ màn cửa sổ xuống; nếu ánh sáng nhiều, sẽ khởi động hệ thống cắt nắng… Công nghệ hỗ trợ nên các loài cây luôn ở trong điều kiện lý tưởng, sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, giá trị dinh dưỡng của rau khi thu hoạch đạt ở mức cao nhất.
Cũng ứng dụng công nghệ 4.0, Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách do anh Huỳnh Thanh Tú làm giám đốc đã sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm gà dược liệu. Với việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Hợp tác xã kiểm soát chặt chẽ từ quá trình chăm sóc, sinh trưởng của đàn gà đến quản lý dịch bệnh. Cùng với đó, qua việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã giúp người tiêu dùng khi sử dụng gà dược liệu của Hợp tác xã có thể biết được cơ sở sản xuất, thành phần, công dụng của sản phẩm, biết được chủ nuôi, ngày tháng vật nuôi được tiêm phòng… Với việc minh bạch về chất lượng sản phẩm, từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu dùng đã tạo niềm tin về sản phẩm. Chính điều này đã giúp cho mô hình nuôi gà dược liệu của Hợp tác xã ngày càng phát triển và thương hiệu ngày càng vươn xa.
Không chỉ ở Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Vifarm, Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách mà còn rất nhiều công ty, hợp tác xã, trang trại của các doanh nghiệp và của cá nhân trên địa bàn tỉnh đã, đang tiên phong trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp.
Chính nhờ sự tiên phong đó của các doanh nghiệp, cá nhân đã mở lối, khẳng định sự đúng đắn và dần xây dựng thương hiệu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhà. Bởi vậy, trên địa bàn tỉnh có những địa phương khi được nhắc đến đều được mọi người gắn liền với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, có nhiều ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất; và có những sản phẩm nông nghiệp khi được nhắc đến đã được định danh là đặc trưng của Kon Tum.
Chẳng hạn khi nhắc đến huyện Kon Plông, nhiều người biết đến vùng đất này không chỉ được thiên nhiên ưu đãi những cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ mà còn được đánh giá là đi đầu trong sản xuất các loại rau, hoa, củ xứ lạnh và đa phần đều được ứng dụng công nghệ cao. Theo thống kê, hiện nay, ở Kon Plông có 18 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 2 trang trại, 22 hộ cá thể sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đạt khoảng 155,4 ha.
Nông nghiệp 4.0 là việc ứng dụng các thành tựu hiện đại của công nghiệp 4.0 như: internet, công nghệ sinh học, công nghệ chiếu sáng… vào quy trình quản lý, sản xuất nông nghiệp. Bắt nhịp 4.0, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã ứng dụng các phần mềm từ hệ thống cảm biến điều chỉnh không khí, nhiệt độ, ánh sáng, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, tưới phun sương, hệ thống máy làm đất… đến sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, giao dịch thương mại điện tử… trong sản xuất các loại rau, hoa, củ, cây trồng, vật nuôi.
Nhìn chung, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại này đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm số lượng nhân công, mà còn nâng cao sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Ứng dụng công nghệ 4.0 còn giúp cho các cơ sở sản xuất, người nông dân vượt qua kiểu lệ thuộc vào khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” của lối sản xuất nông nghiệp truyền thống, chủ động được kế hoạch sản xuất, dự kiến khá chính xác thời gian sinh trưởng, thời điểm thu hoạch. Ứng dụng 4.0 trong nông nghiệp, cũng không còn kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà công cụ sản xuất hiện nay lại chính là các máy móc hiện đại, các phần mềm được cài đặt trên máy tính, điện thoại và những người trực tiếp quản lý, sản xuất đều có trình độ cao, được đào tạo trước khi thực hiện…
Đặc biệt, dịch Covid -19 buộc người tiêu dùng thay đổi một số thói quen, nên việc ứng dụng một số phần mềm như truy xuất nguồn gốc, giao dịch thương mại điện tử… của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá thể trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp 4.0.
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng cũng như bất kỳ cái mới nào, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh sẽ còn nhiều khó khăn: nguồn vốn, nguồn nhân lực, thay đổi thói quen, thị trường tiêu thụ sản phẩm… Nên để quãng đường từ chủ trương đúng đắn đến hành động thiết thực và hiệu quả trong thực tiễn trở nên ngắn lại, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị tư duy và hành động.
Nguyên Phúc