Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Thời gian qua, quan hệ hợp tác song phương cấp tỉnh giữa Kon Tum với các địa phương, đối tác của Hàn Quốc (nói riêng) và các nước khác (nói chung) luôn được tỉnh ta quan tâm xúc tiến và đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn rất cần giải pháp tháo gỡ.
Những kết quả bước đầu
Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum thiết lập quan hệ với Trường Đại học tổng hợp Konyang University và Công ty CP Ezenfeet thuộc Sahmyook Health University, hợp tác đào tạo và triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững. Đơn vị đang xúc tiến việc ký kết biên bản hợp tác và hợp đồng với Công ty Kotek BIO để triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm thổ canh (rau, củ) và thủy canh (sâm Hàn Quốc) tại vườn thực nghiệm của trường, trên cơ sở đó sẽ mở rộng mô hình này tại trường và trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát, Công ty Dược Okchundang bước đầu đánh giá cao chất lượng cây quế được trồng tại xã Đăk Ring (huyện Kon Plông). Công ty đang xem xét đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm quế tại huyện Kon Plông trên cơ sở khảo sát nguồn nguyên liệu đầu vào (nắm diện tích vùng nguyên liệu hiện có và có kế hoạch hỗ trợ người dân địa phương liên kết phát phát triển vùng nguyên liệu). Công ty dự kiến sẽ có chuyến khảo sát tại tỉnh trong thời gian sắp tới để tìm hiểu kỹ hơn việc phát triển vùng nguyên liệu quế và trồng thử nghiệm cây Ngưu Bàng trên diện tích đất bãi bồi ven sông, đất phù sa.
Đáng chú ý, thời gian qua Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Đăk Tô đã kết nối, trao đổi với các công ty Youcel, Kotek BIO, Sammyeongjang, Mineral Biotech, Dong-Gin của Hàn Quốc để xúc tiến triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới về kỹ thuật trồng, chế biến các sản phẩm chất lượng cao có tinh chất sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.
|
Khó khăn vẫn còn đó
Bên cạnh những kết quả bước đầu nêu trên, việc thành lập hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp” và mô hình cà phê “Khởi nghiệp - Doanh nhân” đã góp phần tạo ra kênh thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp đánh giá, phản ảnh là một cách làm hay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa xem đây là kênh thông tin hiệu quả để phản ánh thực trạng công tác giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và đề xuất hướng giải quyết.
UBND các huyện, thành phố chưa thực hiện tốt công tác rà soát quỹ đất phù hợp với quy hoạch, tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương, đề xuất danh mục dự án thu hút đầu tư để tạo điều kiện thuận tiện trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư.
Nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn chế; nguồn thu phí hạ tầng cửa khẩu còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng. Hoạt động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu công nghiệp Hòa Bình chậm đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh; sử dụng đất chưa hiệu quả; sử dụng ít lao động tại chỗ.
Hiện tại, công tác xúc tiến thương mại để tìm kiếm và mở rộng thị trường của tỉnh còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu để phát triển và mở rộng thị trường của các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, do các doanh nghiệp chưa chú trọng trong việc xây dựng thương hiệu và chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu.
Cần sự đột phá
Theo ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư bị ngưng trệ, không thực hiện theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4.645,8 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 9/1/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các nội dung trong Chương trình hành động triển khai lĩnh vực đột phá đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư theo các văn bản của UBND tỉnh.
Các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của doanh nghiệp. UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác rà soát, công khai quỹ đất sạch, chuẩn bị danh mục dự án kêu gọi đầu tư, làm cơ sở để cung cấp thông tin, xúc tiến kêu gọi đầu tư; tạo quỹ đất sạch trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Cao Cường