Thành phố Kon Tum: “Trải thảm” thu hút đầu tư
Với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, những năm qua, thành phố Kon Tum đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh “Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020”, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện với mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch.
Theo đó, vào sáng thứ 6 hàng tuần, lãnh đạo thành phố đều duy trì việc gặp gỡ với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để trao đổi, nắm bắt thông tin, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Đức Tuy đã trực tiếp đối thoại với đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân và các hộ kinh doanh cá thể, hộ tiểu thương buôn bán tại các chợ để tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo xử lý kịp thời các tồn đọng trong việc đầu tư sản xuất trên địa bàn thành phố.
|
Xác định quảng bá là một trong những giải pháp thiết thực để thu hút đầu tư, thành phố đã xây dựng, đăng tải các bản tin, tài liệu giới thiệu tổng quan, tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương lên trang Thông tin điện tử thành phố; phối hợp với Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh. Đặc biệt, thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ngay từ khâu giới thiệu, khảo sát địa điểm, hướng dẫn hồ sơ trình tự, thủ tục và thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhanh chóng; hỗ trợ tìm hiểu cơ hội đầu tư, để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Khu dân cư Hoàng Thành, Bệnh viện Quốc tế Vạn Gia An, dự án Vincom Shophouse Kon Tum, dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ FLC Kon Tum...
Để thực hiện đầu tư, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, các đơn vị sẽ lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án. Khi thực hiện dự án, đơn vị thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác… “.
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, chỉnh trang đô thị. Đến nay, thành phố đã tập trung giải quyết, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa; dự án đầu tư chỉnh trang đô thị; tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch tổ hợp khách sạn thương mại, dịch vụ tại phường Thống Nhất; tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch khu phức hợp đô thị tại phường Quang Trung” – ông Nguyễn Xuân Ninh cho biết thêm.
Ngoài việc áp dụng các chính sách theo quy định, UBND thành phố Kon Tum cũng triển khai, thực hiện một số ưu đãi để khuyến khích đầu tư đặc thù trên địa bàn. Theo đó, các nhà đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ kinh phí đầu tư nhà kính, nhà lưới với mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2, diện tích hỗ trợ tối đa không quá 300m2/nhà đầu tư.
|
Song song với hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Kon Tum tập trung thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh hơn, phù hợp với thị trường, xu thế hội nhập quốc tế. Giữa tháng 7, UBND thành phố khai trương bộ phận tiếp nhận và trả kết quả điện tử thành phố, từ đó giúp giải quyết nhanh thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, không có khâu trung gian, tạo cơ hội thuận lợi cũng như sự hài lòng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã tham gia góp ý kiến thẩm định 6 dự án trên địa bàn thành phố; có 2 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1.288 tỷ đồng.
UBND thành phố Kon Tum còn ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư như: đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu; xây dựng ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho các hoạt động xúc tiến đầu tư; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến “Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020” và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước; tiếp tục phát động phong trào, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp thanh niên, sinh viên, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Luôn nỗ lực, có các giải pháp thu hút, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, UBND thành phố mong muốn các cấp, ngành tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến đầu tư; hướng dẫn thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, mong muốn được tổ chức các đoàn công tác, tạo điều kiện tham gia các hội nghị, diễn đàn kinh tế để gặp gỡ, tiếp xúc với các tổng công ty, tập đoàn trong nước, Hiệp hội Doanh nghiệp... qua đó có thêm cơ hội để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư và mời gọi nhà đầu tư.
Hoài Tiến