Thành phố Kon Tum tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ðại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ thành phố Kon Tum đề ra chỉ tiêu: tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao có liên kết chuỗi giá trị (không tính diện tích cây cao su) đạt 10% trở lên. Ðể thực hiện chỉ tiêu này, hiện nay, thành phố đang triển khai mục tiêu kép: vừa tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ứng dụng các quy trình tiên tiến
Từ trước đến nay, gia đình bà Đỗ Thị Trúc Hà ở xã Chư Hreng vẫn trồng mía theo phương pháp thủ công và trồng theo hàng. Năm nay, qua việc tham quan mô hình từ các địa phương khác, nắm được phương pháp trồng mía hố trên đất đồi, gia đình bà mạnh dạn trồng thử nghiệm hơn 2ha.
Theo đó, thay vì trồng theo hàng, bà đào hố với đường kính hố khoảng 70cm, trồng 12 hom, 1 hom khoảng 3 mắt mầm; khoảng cách từ tim hố này đến tim hố kia khoảng 1,5m.
“Diện tích đất đồi khó cày theo hàng, hơn thế, mùa mưa, khu vực đất cao thường bị trôi chất dinh dưỡng. Với phương pháp mới, trồng theo hố, dù đất dốc nhưng khi trời mưa vẫn giữ được mùn, chất dinh dưỡng cũng như chống xói mòn. Đến nay mía phát triển tốt, vườn mía thoáng, sẽ dễ dàng cho việc thu hoạch” – bà Hà chia sẻ.
|
Tương tự, anh A Dăn ở xã Chư Hreng cũng đào hố, trồng thử nghiệm khoảng 3,6 sào mía. “Đây là kiểu làm mới, giống mới nên ban đầu chúng tôi cũng khá lo lắng. Đến thời điểm hiện tại, được hỗ trợ về kỹ thuật, tôi áp dụng theo và mía phát triển tốt. Năm nay, sau khi thu hoạch, nếu hiệu quả, mình sẽ tăng diện tích trồng mía hố trên đất đồi” – anh A Dăn cho hay.
Với mục tiêu thực hiện phân phối sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện nâng cao giá trị sản phẩm, ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh rau sạch Phượng Hồng (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) đã đầu tư khoảng 8.000 m2 nhà màng (trong tổng số diện tích sản xuất gần 10.000 m2) để trồng các loại hoa, rau đậu, dưa… Đơn vị cũng giám sát quy trình sản xuất, quản lý vật tư đầu vào để đảm bảo hiệu quả. Nhờ đó, chỉ sau khoảng 8 tháng kể từ ngày thành lập, hợp tác xã đã hoạt động ổn định, cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng.
Thực hiện dự án “Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mở rộng, phát triển sản xuất rau an toàn theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố”, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 6ha, liên kết cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, các tiểu thương tại chợ, các trường học…
“Nhìn chung, người dân đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tư duy, cách làm cũ trong sản xuất. Đến nay, đối với loại cây trồng thực phẩm có khoảng 98% diện tích sử dụng giống mới, cơ giới hóa khâu làm đất; 30% diện tích sử dụng màng phủ nông nghiệp; 2% diện tích làm nhà lưới, nhà màng và trên 70% diện tích sử dụng biện pháp tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học. Với cây lương thực, hơn 85% diện tích sử dụng giống mới, cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch… Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế” – bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết.
Tích cực thực hiện các giải pháp
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có khoảng 23.000ha đất sản xuất, theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ thành phố, đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.340ha sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Mân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Kon Tum cho biết, hiện Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra chương trình hành động cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
“Hiện nay thành phố đã có một số cánh đồng lớn: cánh đồng sản xuất lúa ở các xã Đoàn Kết, Hòa Bình…; cánh đồng lớn sản xuất rau ở các phường Thắng Lợi, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân ở các xã Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình thực hiện tích tụ đất đai, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Xây dựng được cánh đồng mẫu lớn sẽ dễ dàng đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như thay đổi phương thức sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao” - ông Mân cho hay.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung huy động và đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút cấc nguồn lực, dự án đầu tư. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư phù hợp với điều kiện và khả năng.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho nông nghiệp và nông thôn. “Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nông dân và lực lượng lao động trẻ về chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp. Trong thời gian tới, sẽ đề nghị với Tập đoàn TH hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân về năng lực quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo các yêu cầu của thị trường. Tin rằng với những thuận lợi, sự nỗ lực của chính quyền và bà con nhân dân, thành phố sẽ thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra” – ông Mân cho biết.
Hoài Tiến