Thành phố Kon Tum: Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả
“Đến năm 2023 thành phố sẽ tăng diện tích cây ăn quả lên 1.500ha, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XII đề ra” – ông Nguyễn Thanh Mân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khẳng định.
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XII đề ra, đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển, tăng diện tích cây ăn quả lên 1.500 ha. Để thực hiện chỉ tiêu trên, thành phố đã nỗ lực triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Tại xã Đăk Năng, theo sự định hướng, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cao su, trồng mì kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đơn cử như ông Lê Văn Sơn ở thôn Ia Hội, từ tháng 4/2020, sau khi vườn cao su già cỗi, ông đã xử lý đất để chuyển sang trồng 2.700 cây chuối Nam Mỹ. Sau 8 tháng, vườn chuối đã trổ buồng, phát triển đẹp. “Chuyển đổi sang trồng chuối, tôi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất vừa tiết kiệm nước, vừa đỡ sức người, mà hiệu quả lại cao. Hiện tại, chuối đã trổ buồng, dự tính mùa này sẽ thu được 57 tấn chuối”- ông Sơn cho hay.
Không riêng ông Sơn, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng mạnh dạn trồng xen cây ăn quả: sầu riêng, mít, bơ vào vườn cà phê. Một số hộ mạnh dạn chuyển đổi hẳn sang trồng cây ăn quả. Ông Phạm Lập - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Năng cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có 38,9ha cây ăn quả. Trong năm 2021, xã sẽ phát triển thêm 6ha. “Hiện tại người dân đang chuẩn bị giống để mùa mưa này xuống giống. Chúng tôi cũng tìm kiếm, thu hút các nguồn lực đầu tư, bao tiêu đầu ra để người dân yên tâm sản xuất” - ông Lập cho hay.
Ở xã Ia Chim, sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, Đảng ủy xã đã hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng đa dạng các loại cây ăn quả có giá trị, hiệu quả kinh tế (sầu riêng, bơ, mít…). Đồng thời, tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại.
Nhờ đó, từ đầu năm 2021, trên địa bàn xã đã có 90 hộ dân tại thôn Plei Sar tham gia vào tổ hợp tác trồng cây ăn quả, với diện tích ban đầu đạt 3,7ha. Cùng với đó, xã cũng hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Ia Chim với diện tích sản xuất hơn 85ha; trong đó, diện tích cây ăn quả chiếm khoảng 60%.
“Theo Nghị quyết Đảng bộ xã, đến năm 2025 sẽ phát triển được 300ha cây ăn quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được 280ha cây ăn quả. Bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, chúng tôi còn định hướng người dân sử dụng tưới nhỏ giọt, cơ giới hóa sản xuất để hạn chế sức người, mang lại hiệu quả cao” - chị Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết.
Phát triển cây ăn quả thay thế cây trồng kém hiệu quả cũng là một trong những mục tiêu xã Đăk Blà hướng đến trong nhiệm kỳ. Để thực hiện mục tiêu đó, vừa qua, lãnh đạo xã đã làm việc với Phòng Kinh tế thành phố để vận động người dân chuyển đổi diện tích đất ruộng không hiệu quả sang trồng chuối tiêu hồng. Đồng thời cử các thành viên đi tham quan, rà soát và xây dựng kế hoạch triển khai trồng chuối tiêu hồng với diện tích hơn 20ha tại 2 thôn Kon Ri Xút, Kon Rơ Lang.
|
Ông Trịnh Lê Văn - Chủ tịch UBND xã cho biết, trong thời gian đến, xã sẽ triển khai thực hiện đề án giãn dân làng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp tái định canh, tái định cư với diện tích hơn 80ha. Khi thực hiện, ngoài diện tích đất ở, phần đất nông nghiệp còn lại xã sẽ định hướng cho bà con phát triển cánh đồng mẫu lớn, phát triển cây ăn quả.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích 625ha cây ăn quả, tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Mân khẳng định đến năm 2023 thành phố sẽ tăng diện tích cây ăn quả lên 1.500ha, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XII đề ra.
Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian đến, thành phố sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, hỗ trợ bà con chuyển đổi khoảng 2.000-2.500 ha đất trồng mì sang xây dựng vùng nguyên liệu mía (900ha) và cây ăn quả. Cùng với đó, thành lập thêm từ 3-4 hợp tác xã kiểu mới/năm để phát triển theo mô hình chuỗi liên kết.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng trụ sở hợp tác xã, tập huấn về khoa học, kỹ thuật cũng như lồng ghép các chương trình khuyến nông, trình diễn để bà con nắm rõ. Đồng thời, ký kết quy chế phối hợp với Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên farm, Tập đoàn TH, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum để chuyển giao khoa học công nghệ cũng như hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với nhiều giải pháp đồng bộ, thành phố sẽ sớm thực hiện đạt chỉ tiêu về diện tích cây ăn quả” - ông Nguyễn Thanh Mân cho hay.
Hoài Tiến