Tập trung phát triển bền vững cây mì
Những năm qua, diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, nhưng năng suất, sản lượng có sự gia tăng, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân và đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy. Đây là tín hiệu tích cực để tỉnh ta thực hiện định hướng và mục tiêu là phát triển cây mì theo hướng ổn định, bền vững.
|
Những năm qua, giá mì tươi được mua tại nhà máy khá ổn định, dao động ở mức 2.300 - 2.700đồng/kg, đã giúp người nông dân phát triển ổn định diện tích. Năm 2021, tổng diện tích mì trên địa bàn toàn tỉnh đạt 39.133ha, năng suất 151tạ/ha, sản lượng 590.797 tấn. Năm 2022, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng 37.720ha, năng suất 151,3 tạ/ha, ước tính sản lượng đạt 570.530 tấn.
|
Những năm gần đây, với việc các địa phương và ngành chức năng triển khai thực hiện chủ trương vận động, hướng dẫn người dân thay thế những giống mì cũ năng suất thấp, nhiễm bệnh bằng một số bộ giống mới nên năng suất và sản lượng tăng dần. Hiện tại, khoảng 95% diện tích trồng mì đã sử dụng các bộ giống có năng suất và hàm lượng tinh bột cao như: KM 94, KM 419, KM 140, KM98-5, KM 60; KM 84; Hoa nam 2…Trong đó, giống mì KM94 chiếm khoảng 70% cơ cấu giống; giống mì KM140 chiếm khoảng 20% sử dụng; còn lại là các loại giống khác.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế đạt 1.430 tấn/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân bán sản phẩm củ mì tươi sau thu hoạch. Tuy nhiên, các nhà máy chủ yếu sản xuất thô chuyển về nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bán nội địa và xuất khẩu; chưa có chế biến sâu, chế biến tinh.
Bên cạnh sản phẩm tinh bột mì, trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở chế biến cồn Ethanol đã đi vào hoạt động ổn định với công suất 50 triệu lít/năm. Các sản phẩm chế biến từ mì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Để phát triển mì theo hướng bền vững, giảm dần diện tích, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng để phục vụ cho hoạt động chế biến, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các quy trình kỹ thuật trong thâm canh mì theo hướng ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; xây dựng các mô hình khảo nghiệm để có cơ sở nhân ra diện rộng.
Chẳng hạn như năm 2021, từ nguồn kinh phí của đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 5 mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh khảm lá với 34,38ha tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum để cung ứng nguồn giống cho người dân. Đồng thời, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các đơn vị có liên quan và các địa phương đang tích cực phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp để đưa các giống mì kháng bệnh khảm lá, năng suất cao vào sản xuất như HN1, HN3, HN5,…
Trong những năm qua, các công ty, nhà máy chế biến tinh bột mì quan tâm hỗ trợ để phát triển vùng nguyên liệu. Chẳng hạn như Nhà máy Cồn và tinh bột mì Đăk Tô đầu tư giống mì cao sản KM 98-5 và KM 419 với quy mô 290ha cho người dân trên tại các xã, thị trấn của huyện Đăk Tô; Chi nhánh Công ty Cổ phần tinh bột mì Phú Yên - Nhà máy TBS Kon Tum hỗ trợ giống mì HLS-10, KM 419, KM 98-5 cho nhân dân trên địa bàn 2 xã Đăk Ang và Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Công ty TNHH tinh bột mì Tây Nguyên Đăk Hà đã hỗ trợ giống mì KM419 cho người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà…
Tuy nhiên, việc sản xuất mì ở nhiều nơi vẫn chưa theo quy hoạch, người dân trồng mì quảng canh nên năng suất thấp, các cơ sở chế biến tinh bột mì chưa đa dạng sản phẩm, thị trường tiêu thụ chưa thực sự ổn định là thực trạng hiện nay.
Tỉnh ta đã đề ra định hướng phát triển ổn định cây mì với diện tích khoảng 34.100ha, phấn đấu năng suất đạt mức18,8 tấn/ha, sản lượng đạt 640.000 tấn. Phát huy công suất các nhà máy tinh bột mì hiện có; phấn đấu đến năm 2025, sản xuất tinh bột mì đạt 350.000 tấn/năm và cồn Ethanol khoảng 11.400 tấn/năm. Giai đoạn 2025-2030, ổn định định sản lượng mì qua chế biến, tiếp tục nâng cao năng lực chế biến, nâng cấp thiết bị máy móc theo hướng hiện đại, đảm bảo môi trường, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm từ mì; mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để thực hiện được mục tiêu này, giải pháp mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra, trước hết là khắc phục việc sản xuất manh mún, tự phát; phát huy tối đa lợi thế để hình thành các vùng chuyên canh mì tập trung với quy mô thích hợp, gắn chặt chế biến với các vùng nguyên liệu. Tích cực chọn tạo và đưa vào sử dụng bộ giống mì có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và chất lượng củ tốt và có khả năng kháng bệnh cao; tiếp tục chuyển đổi trên diện tích đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng mì thâm canh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng và các nhà máy; đồng thời, các nhà máy cần có chính sách, cơ chế đầu tư xây dựng và giữ vững vùng nguyên liệu của mình, ổn định đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những vấn đề quan trọng.
Phát triển bền vững cây mì là hướng đi cần thiết, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây mì, mang lại thu nhập cao cho người dân và là một trong những giải pháp quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thiên Hương