Tạo đột phá trong phát triển du lịch
Phát triển du lịch theo hướng sinh thái, cộng đồng với bản sắc riêng của Kon Tum là hướng đi được tỉnh ta lựa chọn trong những năm gần đây và đang khẳng định hiệu quả. Nhằm tạo đột phá về du lịch, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội để đưa du lịch phát triển đúng hướng là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong những năm gần đây, tỉnh ta xác định các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái với các hoạt động như tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đăk Uy; tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan trên vùng lòng hồ thủy điện Ya Ly, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Bên cạnh đó, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng cũng là một trong những loại hình riêng của tỉnh với các chương trình như tham quan nghiên cứu các giá trị văn hóa hướng về cội nguồn, du lịch kết hợp với hoạt động công vụ; du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch Caravan qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Ngọc Hồi. Đây là thế mạnh để tỉnh xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả lĩnh vực du lịch.
Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, thời gian qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng khai thác, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và tham quan của du khách, tạo ra các sản phẩm đặc thù góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Kon Tum. Xây dựng các mô hình mẫu về sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch, hướng tới nhân rộng, phát triển trong toàn tỉnh, thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó, nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Riêng năm 2020, trước nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm sâu, nhưng các ngành, địa phương vẫn chủ động tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhằm “kích cầu du lịch” để giảm bớt thiệt hại, tạo dấu ấn riêng cho lĩnh vực này.
Trong năm, UBND tỉnh công nhận 10 làng du lịch, điểm du lịch, trong đó, huyện Kon Plông có 6 điểm, huyện Đăk Hà có 1 điểm, thành phố Kon Tum có 3 điểm. Hầu hết các khu, điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đều có bảng chỉ dẫn vị trí cụ thể, rõ ràng trên các tuyến giao thông. Tại các điểm du lịch được công nhận trên địa bàn tỉnh, người dân địa phương đã trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương.
Để kích cầu du lịch, UBND tỉnh phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các chủ đề “Chung tay xây dựng hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum văn minh, thân thiện, mến khách”, “Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam”, “Điểm đến du lịch Kon Tum an toàn; doanh nghiệp du lịch Kon Tum an toàn; dịch vụ lưu trú, vui chơi Kon Tum an toàn; dịch vụ ăn uống, hàng hóa Kon Tum an toàn; dịch vụ vận chuyển khách du lịch Kon Tum an toàn” nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh, đồng thời chú trọng bảo đảm môi trường du lịch chất lượng, an toàn và thân thiện, tăng cường giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu du lịch, hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch đến với Kon Tum.
Xác định năm 2021 vẫn là một năm đầy thách thức với lĩnh vực du lịch, vì vậy, việc đẩy mạnh các chương trình, giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển là nhiệm vụ được các ngành, các địa phương tập trung thực hiện.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục rà soát quy hoạch xây dựng các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu du lịch Kon Plông, thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi, các huyện Sa Thầy, Đăk Tô..., xây dựng các điểm đến an toàn, thân thiện các sản phẩm du lịch mang những nét riêng của Kon Tum; tập trung phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng sẽ hoàn thiện và triển khai các đề án tổ chức khai thác bay dù lượn gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đăk Uy; lựa chọn xây dựng các làng DTTS thành các điểm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phát triển các nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới…
Song song với những giải pháp trên, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa theo các tiêu chí về du lịch an toàn, xây dựng các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch. Kết nối với các địa phương trong nước, nhất các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên và triển khai mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” theo Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được lãnh đạo ba nước Campuchia, Lào, Việt thông qua, hình thành các tuyến du lịch, kết nối các điểm đến, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội chung, thu hút khách du lịch góp phần đưa du lịch Kon Tum trở thành điểm đến có thương hiệu, hấp dẫn…
Với những giải pháp đồng bộ, tin tưởng rằng du lịch Kon Tum sẽ tiếp tục có những khởi sắc trong năm nay và thời gian tới, khẳng định hướng đi đúng của cấp ủy, chính quyền trong định hướng xây dựng và phát triển du lịch, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thùy Hương