Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ưu đãi
Cử tri trong tỉnh phản ánh, thời gian qua, các chương trình tín dụng ưu đãi được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của hộ vay, giúp các hộ vay phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Kon Tum cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội là “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Hiện, Chi nhánh đang thực hiện cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ (theo chuẩn hộ nghèo do Bộ LĐ-TB&XH công bố từng thời kỳ), với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay 6,6%/năm. Các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được vay theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg và Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ; lãi suất bằng 120% và 125% so với mức lãi suất vay của hộ nghèo. Hiện chi nhánh đang thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn đều được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi này. Đến nay, dư nợ của chi nhánh gần 2.980 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng so với đầu năm 2020, với trên 66.150 hộ còn dư nợ.
|
Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thì tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách, gồm: Cho vay theo Nghị định 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; cho vay tái canh cà phê bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay gia súc, gia cầm; tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch…
Bà Hà Thị Thanh Hoà - Phó Giám đốc Agribank Kon Tum xác định: Việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách các chương trình tín dụng ưu đãi chưa được thường xuyên nên nhiều người dân, nhất là ở khu vực nông thôn chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Riêng chương trình cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 30/11/2020, có tổng dư nợ đạt 8.888 tỷ đồng (25.629 khách hàng), chiếm 63% tổng dư nợ của chi nhánh. Còn lại các chương trình khác như: cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư phát triển tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H’Drai, đến ngày 30/11/2020, có tổng dư nợ 26,5 tỷ đồng; cho vay ưu đãi lãi suất theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp (mua máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp) được ưu đãi lãi suất, hỗ trợ lãi suất vay và mức vay đến ngày 30/11/2020, có tổng dư nợ 4 tỷ đồng; cho vay tái canh cà phê bằng nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước được ưu đãi về mức vay và lãi suất đến ngày 30/11/2020 có tổng dư nợ 20 tỷ đồng (5 khách hàng, 236 ha tái canh) và tính đến ngày 30/11/2020, gói tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank nhằm hạn chế tín dụng đen trên địa bàn có tổng dư nợ 920 triệu đồng (36 khách hàng).
Với quyết tâm và hành động cụ thể, Agribank Kon Tum sẽ thực hiện sự gắn bó, đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Agribank đến mọi khách hàng; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của các đơn vị trực thuộc; quán triệt cán bộ tín dụng trong giải quyết hồ sơ phải nhanh chóng; phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong tháo gỡ những khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính.
“Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đơn giản quy trình, thủ tục cho vay theo hướng thuận lợi, để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này” - bà Hà Thị Thanh Hoà đề nghị.
Dương Lê