Tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử
Thời gian qua, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP của tỉnh còn chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (hoạt động kinh doanh qua internet) nhằm quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu.
Cùng sự phát triển của xã hội, thương mại điện tử hay kinh doanh trực tuyến qua internet đã giúp người bán hàng và người tiêu dùng gặp nhiều thuận lợi trong các giao dịch mua bán, thanh toán, đổi trả hàng hóa. Đối với người bán hàng, thương mại điện tử góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh, tiếp cận người tiêu dùng một cách dễ dàng, tạo kênh bán hàng hiệu quả, góp phần tăng doanh thu, tiết kiệm được các chi phí về thuê mặt bằng, điện nước, nhân lực. Đối với người tiêu dùng, có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, có nhiều sự lựa chọn về hàng hóa và phương thức thanh toán.
Nắm được những lợi ích của việc mua bán hàng hóa qua thương mại điện tử, anh Trịnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tây Nguyên Xanh, doanh nghiệp có 2 sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 sao, 1 sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2021; đã xây dựng, phát triển gian hàng của doanh nghiệp mình; đồng thời, kết nối với các chủ thể có sản phẩm OCOP khác của tỉnh cùng tham gia giới thiệu, bán hàng trên Shopee (sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến và có lượng người truy cập nhiều tại Việt Nam).
|
Anh Kiệt cho biết, trong năm 2021, anh là 1 trong 10 chủ thể được Sở Công thương hỗ trợ thành lập gian hàng để bán sản phẩm trên Shopee. Song song phát triển gian hàng được Sở Công thương hỗ trợ thành lập, anh Kiệt còn tự xây dựng và phát triển 1 gian hàng khác trên Shopee mang tên “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP”. Trong gian hàng này, các sản phẩm được đăng tải, sắp xếp chia thành từng nhóm để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn gồm, sản phẩm về cà phê, về trà, về cá, đông trùng hạ thảo, đồ uống và thực phẩm chức năng. Ngoài ra, gian hàng còn đăng tải đầy đủ hình ảnh, video cùng thông tin về các sản phẩm, như mẫu mã, thành phần, chứng nhận, kiểm định và các chính sách thanh toán, đổi hàng, khuyến mại.
Qua 1 năm hoạt động, đến nay gian hàng “Đặc sản Ngọc Linh Kon Tum OCOP” của anh Kiệt thành lập đã có hơn 11.500 lượt người tiêu dùng theo dõi cùng 276 lượt đánh giá. Số lượng đơn hàng đặt mua đạt từ 70-100 đơn/tháng.
Anh Kiệt chia sẻ, ngoài bán hàng trên Shopee, anh còn đăng tải và bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử nằm trong top đầu ở Việt Nam hiện nay là Lazada. “Điều hay của bán hàng qua thương mại điện tử là ngoài giảm được nhiều chi phí, chúng tôi có thể biết được tình trạng đơn hàng đã giao hay chưa, đồng thời tương tác và nhận được đánh giá về chất lượng, mẫu mã các sản phẩm, cách gói hàng…thông qua các bình luận ngay bên dưới phần mô tả sản phẩm của chính những người tiêu dùng đặt mua. Nhờ đó mà tôi cùng các chủ thể khác có thêm kinh nghiệm cũng như ngày càng cải thiện chất lượng sản phẩm, cách thức tư vấn và quy trình bán hàng của mình hơn” - anh Kiệt nói.
Giống như anh Trịnh Tuấn Kiệt, chị Hồ Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại, sản xuất và dịch vụ Lâm Thịnh, một trong những doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP ở huyện Đăk Tô cho hay, ngoài đẩy mạnh phương thức bán hàng truyền thống, chị còn đẩy mạnh việc giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp mình qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee gắn với GrapMart (dịch vụ giúp người tiêu dùng, người bán hàng trên cả nước mua bán và giao đồ tới tận nhà theo nhu cầu).
Được biết, hiện nay nhiều chủ thể khác tham gia chương trình OCOP tỉnh có sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên đã và đang đẩy mạnh việc bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, website riêng của cá nhân, doanh nghiệp để tăng cường quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Đó là Hợp tác xã nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum, hộ kinh doanh Hằng Thuận Tây Nguyên, Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên…
Hầu hết các chủ thể đều có chung đánh giá, tham gia bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử còn giúp họ đẩy mạnh được marketing (tiếp thị) và PR (cung cấp thông tin tốt về sản phẩm, cá nhân, tổ chức sản xuất cho công chúng) thông qua hình thức trực truyến.
“Chất lượng hàng tốt, mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá tốt, dịch vụ tốt (tư vấn, đóng gói sản phẩm, giao hàng, đổi hàng, phương thức thanh toán, chương trình khuyến mại) và truyền thông, quảng bá hiệu quả” là công thức mà hầu hết các chủ thể đang áp dụng để việc bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hiệu quả và có số lượng đơn hàng cao. Do đó, thời gian tới, các chủ thể sẽ tiếp tục kết nối, phối hợp tăng cường bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, qua đó, nâng tầm thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm OCOP.
Đức Thành