Tăng cường năng lực phòng chống thiên tai
Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai (PCTT) được các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng dân cư quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCTT cho người dân và cộng đồng; việc đầu tư nâng cấp hệ thống dự báo thời tiết, khí hậu, lắp đặt các trạm quan trắc và mua sắm trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng…
Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (BCH PCTT-TKCN-PTDS) cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các huyện, thành phố, sở, ban, ngành, cơ quan thông tin đại chúng triển khai; trong đó, chú trọng tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, ứng phó thiên tai của các cấp, các ngành đến mọi người dân trong tỉnh biết và thực hiện. Công tác tuyên truyền tập trung phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ; Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Chiến lược phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, BCH PCTT-TKCN-PTDS tỉnh triển khai thực hiện phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn". Công tác phòng chống ứng phó thiên tai trên cơ sở chủ động phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Khi có thiên tai xảy ra, UBND các cấp thực hiện theo kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được phê duyệt, trực tiếp huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên phụ trách địa bàn, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở các lĩnh vực, địa bàn, công trình trọng điểm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương, các ngành, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thông tin về diễn biến mưa, lũ kịp thời trong công tác PCTT và TKCN tại địa phương.
Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tại chỗ như quân sự, công an, biên phòng, y tế, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã sẵn sàng tham gia công tác phòng chống và ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Xây dựng kế hoạch tổ chức sơ tán, di dời dân cư vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; thực hiện công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
|
Ngoài ra, để làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi có thiên tai xảy ra, tỉnh quan tâm, chú trọng mua sắm trang thiết bị để thực hiện công tác PCTT có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Hiện nay, tỉnh ta đã chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị bao gồm: nhà bạt cứu sinh 194 bộ, phao cứu sinh 3.612 cái, phao tròn cứu sinh 2.805 cái, máy phát điện 3 cái; máy bơm chữa cháy 8 cái; ca nô 4 chiếc... Mặt khác, các địa phương còn xây dựng kế hoạch tổ chức cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm, thiết yếu cho người dân khi phải sơ tán, di dời, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói, rét khi có mưa, lũ xảy ra. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố cơ bản đạt chuẩn tiêu chí 3.2 về đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT.
Rút kinh nghiệm từ công tác PCTT thời gian qua cho thấy, công tác PCTT phải lấy phòng ngừa là chính, dựa vào chính quyền cơ sở và nhân dân là chính. Thực tiễn cho thấy, đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả; kỹ năng PCTT, nhất là công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” tại cộng đồng là rất quan trọng, sẽ hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, công tác dự báo phải thực hiện kịp thời, chính xác, cụ thể và thông tin sâu rộng đến các cơ quan chức năng, người dân, nhất là ở các thôn, xã, vùng sâu, vùng xa sẽ chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Đối phó với thiên tai là công việc phức tạp, nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản, vì vậy, cần tổ chức diễn tập, phối hợp chặt chẽ các lực lượng mới đáp ứng các nhiệm vụ được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Phương pháp tổ chức cứu trợ giúp nhân dân, cứu người, cứu tài sản phải hết sức linh hoạt, phù hợp thực tế từng vùng, từng khu vực, triệt để tận dụng các phương tiện tại chỗ...
Quang Định