Tác động tích cực từ giao khoán bảo vệ rừng
Tham gia quản lý, bảo vệ rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần đảm bảo diện tích, chất lượng rừng ở địa phương mình, mà còn có thêm nguồn kinh phí để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình và tổ chức thực hiện những công việc quan trọng cho thôn, làng nơi sinh sống.
Xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) có tổng diện tích tự nhiên hơn 10.715ha (trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 9.153,14ha) và 98% người dân trên địa bàn là đồng bào DTTS.
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã giao khoán cho 7 cộng đồng dân cư trên địa bàn xã bảo vệ diện tích hơn 2.500ha (trong tổng số 5.520,41ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý) và UBND xã Ngọc Réo đã giao cho 4 cộng đồng dân cư trên địa bàn xã quản lý, sử dụng 15,17ha (trong tổng số 34ha rừng và đất lâm nghiệp mà xã được hưởng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2017).
Ông A Giúc -Trưởng thôn Kon Kro’k cho biết, cộng đồng thôn Kon Kro’k có 133 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ 274,24ha rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà. Thực hiện công tác bảo vệ diện tích rừng này, cộng đồng thôn Kon Kro’k chia 4 nhóm hộ, luân phiên đi tuần tra rừng định kì hàng tháng và tham gia phối hợp đầy đủ các đợt tuần tra rừng với cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà và UBND xã Ngọc Réo khi được huy động. Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, ý thức và trách nhiệm giữ gìn nguồn tài nguyên rừng trong mỗi hộ dân ở thôn Kon Kro’k ngày càng nâng cao.
Ông A Giúc chia sẻ, nguồn tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng nhận khoán thôn Kon Kro’k đều thống nhất chi 70% cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, còn 30% chi cho các hoạt động chung, quan trọng của thôn như: các hoạt động hội họp, tổ chức ngày hội đại đoàn kết, chi hỗ trợ xây hàng rào bằng gạch kết hợp lưới B40 và dựng mái vòm bằng khung thép và tôn cho điểm trường Mầm non của xã tại thôn; chi mua cồng chiêng và trang phục cho các thành viên trong đội cồng chiêng, xoang của thôn.
Ông Nguyễn Đình Lĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo đánh giá, các hộ gia đình trong các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà và được giao quản lý diện tích rừng của UBND xã đều có ý thức trách nhiệm và tinh thần tham gia thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tốt nên trong thời gian vừa qua, tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Ngọc Réo cơ bản ổn định, không xảy ra vụ việc vi phạm lâm luật hay cháy rừng nào.
Ông Lĩnh cũng cho hay, các cộng đồng được giao nhận khoán bảo vệ rừng còn sử dụng nguồn tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hợp lí và hiệu quả, góp phần thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, có được kết quả này, một phần nhờ từ ý thức và trách nhiệm bảo vệ 9.938,14ha rừng của 14 cộng đồng với 659 thành viên là đại diện các hộ gia đình được Công ty khoán bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
|
Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho Công ty trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, duy trì các hoạt động và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Chính sách còn giúp Công ty chủ động về nguồn vốn trong việc phát triển rừng, làm giàu, nuôi dưỡng, khoanh nuôi phục hồi rừng một cách hiệu quả hơn, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và xã hội hóa nghề rừng.
Hiện tại, mỗi hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của Công ty từ nguồn dịch vụ môi trường rừng bình quân nhận được số tiền khoảng 10 triệu đồng/năm, giúp các hộ gia đình cải thiện thu nhập và đời sống. Tác động tích cực đến từng hộ gia đình là vậy, nhưng nhìn ở phương diện rộng hơn, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp và nguy cơ xảy ra các tệ nạn xã hội trên địa bàn, giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo động lực khuyến khích nhiều hộ gia đình chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Từ những kết quả đạt được ở xã Ngọc Réo và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy cho thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang từng bước khẳng định là chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, phát huy hiệu quả rõ rệt trong đời sống và thúc đẩy nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Đức Thành