Tấc đất, tấc vàng
Có nhiều lý do để những người nông dân này có thể bỏ hoang đất như những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi khác. Nhưng ở thôn 8, xã Đăk Ui, lý do để họ giữ nhịp tái sinh cho vùng đất trống chỉ cần có một, đó là: “Tấc đất là tấc vàng”.
Những ngày này, gia đình bà Hồ Thị Thảo ở thôn 8, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà bận rộn phá bỏ cây mai dương trên diện tích 1 sào đất ruộng của gia đình ở khu vực lòng hồ bán ngập Đăk Ui. Năm nay, ngoài 1 sào lúa này, bà phát quang thêm phần đất lòng hồ ngay dưới chân rẫy cà phê, cũng toàn là mai dương để trồng thêm mì.
Nếu sự gai góc và dai dẳng của loài cây được xem là sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới này đã khiến nông dân nhiều nơi rùng mình và nhụt chí, chấp nhận từ bỏ diện tích đất canh tác của mình, thì ở đây, bà Thảo và nhiều hộ dân ở thôn 8 xã Đăk Ui, năm này qua năm khác kiên nhẫn phá bỏ từng cụm mai dương để lấy đất trồng trọt. Bà Hồ Thị Thảo cho biết: Năm ngoái, vạt đất kia người chui không lọt, bây giờ chỉ có phá đi, làm gì đó để sạch lòng hồ. Không ai vận động hết, chỉ bản thân mình vận động mình thôi.
|
Chuyện người dân tận dụng một phần đất lòng hồ để trồng lúa nước đã diễn ra từ lâu. Nhưng vài năm trở lại đây, các hộ dân bắt đầu canh tác nhiều loại hoa màu ngắn ngày trên toàn bộ phần đất bán ngập. Diện tích đang canh tác khoảng 80ha. Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay có 120/214 số hộ dân thôn 8, xã Đăk Ui tham gia canh tác tại khu vực này.
Ông Lê Tuấn Anh - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 8, xã Đăk Ui lý giải: Nhân dân trong thôn cũng biết được nguồn lợi từ lòng hồ mang lại nguồn phù sa màu mỡ nên tận dụng đưa cây mì, đậu, khoai lang, bắp… vào trồng, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập. Bây giờ chỉ có dựa vào mực nước của lòng hồ, mùa khô nước rút đến đâu thì diệt cây mai dương, rồi cho máy cày đến đó, chỗ nào đất bằng họ sử dụng để cấy lúa, cây đậu, bắp, còn những chỗ dốc hơn thì trồng cây mì, khoai lang.
Đúng như lời Bí thư Chi bộ thôn 8 nói, đất ở đây được phù sa bồi đắp, nhưng không vì thế mà việc canh tác của người nông dân trở nên dễ dàng hơn. Gia đình anh Hồ Minh Thành có 1 ha đất trồng lúa, bắp và đậu ở khu vực lòng hồ. Anh cho biết, mùa cạn, nước rút, muốn có nước tưới cho cây trồng, các hộ dân phải bơm nước ở con suối duy nhất nằm giữa lòng hồ. Chỉ tính riêng trên diện tích 4 sào lúa 1 vụ, trước kia, phải vận hành máy tưới nước bằng dầu, thì để thu được 20 bao lúa, gia đình đã phải bỏ ra chi phí là khoảng 10 bao lúa. Hiện nay, dù đã sử dụng điện ba pha thay thế, chi phí có giảm nhưng con số bỏ ra vẫn nằm ở khoảng 5 bao lúa. Chi phí đầu tư tuy có cao nhưng cũng phải tận dụng, nếu bỏ không thì phí đất, hơn nữa để cây mai dương lên, sau này rất khó tận dụng làm lại.
Mùa khô ở Tây Nguyên luôn kéo dài và khắc nghiệt. Đã có những diện tích đất ruộng, rẫy bị bỏ hoang cũng bởi sự khô hanh và bạc màu đó. Để canh tác được ở diện tích lòng hồ Đăk Ui này, ngoài vượt qua rào cản của cây mai dương, và chi phí, thì người dân đã thay đổi tư duy. Thay vì phụ thuộc vào mùa mưa để trồng trọt, họ chấp nhận bỏ chi phí đầu tư để chủ động mùa vụ.
Ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm: Khác cái là ở đây cây trồng cho năng suất cao hơn trên đồi, họ không dựa dẫm vào mùa mưa nữa mà khi cấy xong, dùng nguồn nước ở hồ chứa nước Đăk Ui để tưới. Việc chăm sóc của họ có vất vả hơn theo kiểu ngày xưa cấy xong rồi chờ vào trời mưa, nhưng bây giờ họ tận dụng được nguồn nước, chủ động được mùa vụ nên đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn.
Như đã nói, có nhiều lý do để những người nông dân này có thể bỏ hoang đất như những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi khác. Nhưng ở thôn 8, xã Đăk Ui, lý do để họ giữ nhịp tái sinh cho vùng đất trống chỉ cần có một, đó là: “Tấc đất là tấc vàng”.
Ông Lê Tuấn Anh khẳng định: Người dân ở thôn 8 không phải thiếu đất sản xuất, nhưng họ thấy đất bỏ hoang phí, nên đã tận dụng để canh tác tăng thêm thu nhập.
Những ngày này, bên những thửa đất trồng mì đã lên mầm xanh tốt, những chiếc máy cày vẫn đang tất bật lên những vạt luống mới. Nước rút tới đâu, luống cày theo ngay đến đó. Từ trước tới nay, thôn 8 vẫn luôn được nhắc đến là một thôn có kinh tế vững mạnh nhất của xã thuần nông nghiệp như Đăk Ui, lý do cũng chính bởi những người nông dân này xem tấc đất là tấc vàng.
Chung Loan