Sức bật từ phong trào nông dân sản xuất giỏi ở Ngọc Hồi
Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi phát động nhiều phong trào thi đua trong nông dân, nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG).
Đến thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Thành, ở xã Đăk Xú, ngắm nhìn những vườn cà phê đang mùa trái chín đỏ, vườn bời lời tươi tốt, những ao cá sắp đến ngày thu hoạch... ít ai nghĩ rằng cách đây gần 20 năm, đây là vùng đất hoang sơ, đầy bom mìn và cỏ dại.
Anh Thành nói: Gia đình tôi luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh huyện Ngọc Hồi. Hàng năm, cán bộ Hội thường xuyên về thăm và hướng dẫn kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn khi gia đình cần. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất kinh doanh. Lúc mới xây dựng trang trại, gia đình vay tín chấp của Hội Cựu Chiến binh và Hội Nông dân khoảng 50 triệu đồng, sau thời gian làm ăn có lãi không chỉ trả hết nợ mà còn tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang.
Ngoài gia đình anh Thành, nhiều hộ nông dân ở các xã trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và sức lao động vươn lên trở thành triệu phú như gia đình bà Khổng Thị Trang ở thôn Iệk xã Pờ Y với 45 ha cây trồng các loại, thu nhập mỗi năm 600 triệu đồng; hộ ông Ngô Văn Thăng ở Chi hội Kei Joi, xã Đăk Xú có 15 ha cao su, 5 ha cà phê, buôn bán, thu nhập 600 triệu đồng/năm…
|
Theo ông Lê Huyên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi, để phong trào NDSXKDG đạt hiệu quả, ngay từ đầu hàng năm, các cấp Hội trong huyện đã tổ chức quán triệt, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện sản xuất cụ thể ở địa phương. Trên cơ sở đó, Hội cùng các ban, ngành địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp hộ nông dân thực hiện tốt các phương án sản xuất, kinh doanh của mình. Hội trực tiếp vận động hội viên, nông dân đăng ký các danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại các chi, tổ Hội và đã có 6.161 lượt hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và có 915 hộ được công nhận NDSXKDG; trong đó có gần 400 hộ là hộ DTTS, chiếm gần 44% tổng số hộ NDSXKDG toàn huyện.
Hội cũng đã phối hợp với các ngành chức năng ở huyện tổ chức 96 lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật cạo mủ cao su, chăm sóc cây cà phê, vận hành máy nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình trang trại nhỏ lẻ, hợp tác xã… cho 3.684 lượt người, xây dựng nhiều điểm mô hình có hiệu quả; tổ chức 58 lớp tập huấn chuyển giao khoa học; 38 lớp học dạy nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cạo mủ cao su, điện dân dụng....
Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH nhận ủy thác hơn 57 tỷ đồng cho trên 2.200 lượt hộ hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mở dịch vụ kinh doanh buôn bán, nâng tổng dư nợ lên 98 tỷ đồng, cho hơn 3.301 lượt hộ hội viên vay... Phối hợp triển khai Dự án Quỹ hỗ trợ nông dân cho 63 hộ vay với số tiền 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, các cấp hội đã tổ chức vận động nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện công tác tương thân, tương ái giúp nông dân nghèo, phân công mỗi chi hội giúp từ 1- 2 hộ nghèo
Có thể nói, phong trào NDSXKDG đã tạo ra bước đi tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất phát triển đáng kể. Đặc biệt, người nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh theo chiều sâu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư giúp đỡ, hỗ trợ nông dân mà trong đó tổ chức Hội là chiếc cầu nối giữa nông dân với các công ty, xí nghiệp và các tổ chức khoa học kỹ thuật.
Mạnh Thắng