Sôi nổi phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Nhiều năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (gọi tắt là phong trào) đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho nông dân.
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Ngọc Quân ở làng Iệc (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi). Dù đã bước sang tuổi 62, nhưng hàng ngày, ông Quân vẫn cùng vợ quản lý hơn 20ha đất sản xuất của gia đình. Là người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, đến nay, gia đình ông Quân có 6ha cà phê, 3ha keo, 1ha tiêu, còn lại trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, mỗi năm ông nuôi khoảng 500 con heo; đào ao nuôi cá… Các mô hình sản xuất này đã đem về cho ông khoản lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm và danh hiệu nông dân SXKDG năm 2021.
Tương tự gia đình ông Quân, hộ gia đình bà Nguyễn Minh Thư, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy hàng năm nuôi 500 con heo siêu nạc, thu lợi nhuận 880-920 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động thời vụ, với mức 8 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm giúp 4 hộ nông dân nghèo, nông dân khó khăn phát triển sản xuất.
Đó là hai trong số hàng ngàn hộ nông dân trên toàn tỉnh đã hưởng ứng tích cực phong trào, không cam chịu cái nghèo, biết tiếp thu và ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình đang sống.
|
Bà Võ Thị Bích Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 41.855 lượt hộ được công nhận hộ SXKDG. Để có được nhiều hộ như bà Thư, ông Quân, các cấp Hội xác định chuyển từ tuyên truyền, vận động thuần túy sang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp mở được 368 lớp tập huấn ngắn ngày về áp dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức 11 đợt cho 336 nông dân nghèo đi học tập kinh nghiệm một số mô hình làm ăn hiệu quả; mở 76 lớp dạy nghề ngắn hạn… Song song với chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất; tiếp nhận 9 tỷ 730 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, do Trung ương Hội ủy thác và nguồn vốn của tỉnh phân bổ, thực hiện có hiệu quả 51 dự án cho 290 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho 19.040 hộ vay với số tiền 903 tỷ 109 triệu đồng; tín chấp cho nông dân mua gần 31.000 tấn phân bón trả chậm; hỗ trợ 50% giá mua cây giống cà phê tái canh cho gần 2.700 lượt hộ…
Không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, phát triển sản xuất, phong trào còn có tác động tích cực đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, một số hộ nông dân SXKDG đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc, ký các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn phát huy thế mạnh địa phương. Trong đó, phải kể đến vùng sản xuất chuyên canh trồng mía, tại thành phố Kon Tum; trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; trồng cà phê ở huyện Đăk Hà và trồng các loại rau, cam sành tại huyện Kon Plông… Đồng thời, phong trào góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho 7.028 lao động nông thôn.
Những kết quả trên đã khẳng định phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã và đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội ở nông thôn.
Bà Võ Thị Bích Hường khẳng định: “Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục nỗ lực đưa phong trào phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu hàng năm số hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp tăng dân qua từng năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 2-3%/năm”.
Văn Tùng