Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học
Áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ sinh học trên cây trồng thay thế phương pháp truyền thống đang là hướng đi mới của mỗi doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, chất lượng và hiệu quả.
Trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng, xu hướng sản xuất hữu cơ sinh học đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Phương pháp canh tác hữu cơ sinh học là hệ thống sản xuất không sử dụng các chất hóa học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc chuyển hóa khép kín trong hệ sinh thái nông nghiệp. Canh tác hữu cơ sinh học giúp duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật có lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Trương Công Lãng - đại diện chế phẩm sinh học Emi Nhật Bản tại Kon Tum đánh giá: “Từ nhiều năm nay, bà con thường canh tác theo thói quen sử dụng nhiều phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khiến đất sản xuất càng ngày càng khô cằn đi và bệnh hại thì kháng thuốc, cùng với đó là ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người nông dân. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao trên sản phẩm dẫn đến rất khó tìm được thị trường tiêu thụ”.
|
Hiện nay, việc áp dụng các chế phẩm sinh học đã và đang được các hộ nông dân từng bước sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý môi trường đất, nước, chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc để thay thế thuốc hóa học thuốc bảo vệ thực vật.
Vi sinh vật trong chế phẩm sinh học có khả năng phân hủy chuyển hóa các chất hữu cơ bền vững các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp góp phần làm sạch môi trường. Chế phẩm sinh học còn có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng, làm cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung. Chế phẩm sinh học có tác dụng đồng hóa các chất dinh dưỡng góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản phẩm không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng.
“Chi phí để canh tác sinh học hiện nay tương đương với canh tác hóa học, càng ngày chi phí sẽ càng giảm xuống. Và điều đặc biệt quan trọng là khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm cao hơn” - ông Trương Công Lãng cho biết thêm.
Một trong những giải pháp chuyển đổi hiệu quả nhất từ phương pháp hóa học sang hữu cơ sinh học hiện nay chính là tăng cường sử dụng nguồn phân chuồng, chế phẩm sinh học và giảm dần hàm lượng phân hóa học bón cho cây trồng.
|
Là cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, thời gian qua, diện tích cây chanh dây trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh chóng, việc canh tác cây chanh dây theo quy trình hữu cơ sinh học đã được không ít bà con thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực.
Một trong số đó là gia đình ông Nguyễn Xuân Đại ở khối 7, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô với 2 ha chanh dây trồng theo hướng hữu cơ sinh học. “Mô hình này đòi hỏi người trồng phải nắm rõ quy trình kỹ thuật từ khâu chọn đất đến làm đất, bón phân và chăm sóc. Đất trồng chanh dây không yêu cầu quá cao, miễn là đất xốp, thoát nước tốt, đất có nhiều chất dinh dưỡng độ PH từ 5,5-6,0 trở lên là phù hợp với cây chanh dây” - Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết.
Một ưu thế vượt trội hiện nay của việc canh tác hữu cơ sinh học trên vườn chanh dây là giữ được sinh thái tự nhiên của vườn cây. Chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại và sản phẩm xuất bán cao hơn hẳn so với canh tác phương pháp hóa học.
Anh Bùi Chí Cường - Kỹ sư nông nghiệp, Chế phẩm sinh học Emi Nhật Bản tại Kon Tum cho biết: “Với phương pháp canh tác theo phương pháp hóa học, khi phun thuốc sẽ xảy ra hiện tượng côn trùng nhờn thuốc, bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, đòi hỏi lần thứ hai phun phải với liều lượng mạnh hơn. Ngược lại khi chăm sóc theo hướng sinh học sẽ tránh được hiện tượng đó vì đã chủ động từ công tác xử lý đất, phòng bệnh rễ, phòng bệnh trên lá”.
Áp dụng nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng tất yếu. Việc áp dụng hiệu quả phương pháp canh tác này sẽ là hướng đi hiệu quả để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo được uy tín về chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh cao và tăng thu nhập cho người dân.
Quốc Tuấn