Sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại địa bàn tỉnh
Các sản phẩm OCOP được công nhận ngày càng trở nên quen thuộc trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn tỉnh. Hình thành và phát triển các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch cũng mang ý nghĩa hơn, khi các sản phẩm đặc trưng này sẽ tạo sức hút bằng “thương hiệu” của chính mình.
Trong số các sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được công nhận, có thể nhận thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương được chế biến chủ yếu từ nông sản, dược liệu (cà phê, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm...) đều ít nhiều gắn liền với các sản phẩm du lịch. Tại các điểm đến thu hút du khách, các sản phẩm hàng hóa này, với “thương hiệu” của mình thực sự cũng góp phần làm phong phú hơn sự trải nghiệm của mọi người, tạo thêm “chỗ đứng” cho các sản phẩm du lịch.
Trong đó, sản phẩm đặc trưng mang nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ được ưa chuộng hơn cả, như cơm lam, rượu cần, gà nướng, măng khô, đồ lưu niệm đan lát bằng tre nứa, sản phẩm dệt thủ công…
Có thể nhận thấy, mỗi “điểm đến” trong hành trình du lịch và các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của các địa phương đều có mối quan hệ “tương hỗ”. Nói đến các điểm du lịch, là nói đến các sản phẩm đặc trưng và một khi đã quen các sản phẩm đặc trưng thì không thể quên các điểm du lịch. Trong đó có thể kể đến rượu cần men lá của người Brâu (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), thịt khô gác bếp của người Giẻ Triêng (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) hay bánh tráng cá cơm, cá cơm khô lòng hồ (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai)…
|
Cùng với các sản phẩm OCOP liên quan đến hoạt động du lịch, “Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng” là 1 trong 6 ngành được xác định trong Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ở tỉnh ta, làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) là điểm du lịch đầu tiên được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Với vị trí thuận lợi nằm bên kia cầu treo Kon Klor trên sông Đăk Bla, nơi đây thu hút du khách bằng cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo trong sinh hoạt, đời sống của đồng bào Ba Na tại chỗ.
Dựa vào tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh hoàn toàn có điều kiện để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trong lĩnh vực này. Tuy vậy, hiện nay, việc khai thác thế mạnh sẵn có của các địa phương còn hạn chế. Tại các điểm du lịch, các sản phẩm đặc trưng vẫn mang tính nhỏ lẻ, đơn điệu, và còn thiếu quy hoạch, kế hoạch nên chưa thực sự tạo thành thương phẩm. Mặt khác, ở điểm du lịch cộng đồng đã thành sản phẩm OCOP như làng Kon K’tu, tình trạng thiếu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, hấp dẫn cũng chưa thể khắc phục. Trong khi đó, tại mỗi điểm đến, yêu cầu đặt ra là cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng để góp phần làm phong phú hơn các điều kiện để “giữ chân du khách”.
Tại huyện Kon Rẫy, thời gian qua, sản phẩm chuối sấy giòn Bà già Đeo của hộ gia đình ở xã Đăk Ruồng đã tạo nên thương hiệu OCOP được chú ý, song Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến dự định khai thác, xây dựng điểm đến thác Kon Bring tại địa bàn xã Đăk Tơ Lung. Nếu đẩy lùi được dịch bệnh, trong điều kiện, kinh tế-xã hội được hồi phục thuận lợi, sắp tới, chỉ tính riêng trên địa bàn, có thể hình thành tour du lịch (tham quan, trải nghiệm) thú vị tại làng du lịch cộng đồng Kon Brăp Ju, điểm du lịch sinh thái Epic Spa, thác Kon Pring gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP chuối sấy giòn.
Có thể nhận thấy, đầu tư đúng hướng sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, nếu có được sự kết hợp chặt chẽ, phù hợp giữa sản phẩm OCOP là các điểm du lịch với các sản phẩm OCOP lợi thế khác, sẽ góp phần phát huy lợi thế của các sản phẩm OCOP ở nhiều loại hình khác nhau. Để làm được điều này, vấn đề đặt ra, là trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch, song song với quan tâm đầu tư hạ tầng, sản phẩm du lịch, cần chủ động tạo thêm nhiều hàng hóa đặc trưng gắn với yêu cầu phục vụ du lịch.
Thanh Như