Sa Thầy: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ
Những năm qua, huyện Sa Thầy chú trọng thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác, tận dụng những tiềm năng sẵn có, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp đạt mức 60%, thương mại dịch vụ đạt 27,52%, nông nghiệp giảm còn 12,48% (6 tháng đầu năm 2021), mức tăng trưởng bình quân đạt 13,57%/năm (giai đoạn 2015-2020).
Sa Thầy là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn với gần 132.000 ha (chiếm 92,04% diện tích đất tự nhiên) với lợi thế phát triển cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê; kinh tế trang trại, chăn nuôi đại gia súc và đặc biệt là phát triển lâm nghiệp và du lịch khu bảo tồn rừng nhiệt đới thiên nhiên Chư Mom Ray, du lịch lòng hồ thủy điện Ia Ly... Với lợi thế trên, huyện Sa Thầy tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường bên ngoài. Chính nhờ vậy, các dự án đầu tư chế biến công nghiệp, dịch vụ lần lượt được triển khai trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia.
Để phát huy được những tiềm năng đó, những năm qua, huyện chú trọng phát triển những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; tranh thủ cơ chế chính sách, nguồn lực của tỉnh để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà huyện có tiềm năng; tập trung cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã thu hút được 10 dự án với tổng số vốn trên 2.718 tỷ đồng. Các dự án được phân bổ đều trên các lĩnh vực, trong quá trình triển khai đảm bảo sự linh hoạt, hiệu quả.
|
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Vina (thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) là một trong những doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện Sa Thầy được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Công ty xin cấp phép vào năm 2013 và chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2014, với khu nhà xưởng diện tích 7ha cùng dây chuyền sản xuất chế biến tinh bột sắn công suất 35.000- 40.000 tấn/năm, thu nhập bình quân của công nhân là 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Đình Trọng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Vina cho biết: “Công ty đã nhận được hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương trong các thủ tục liên quan khi mới tiếp cận dự án, nhất là việc tạo điều kiện cung ứng vùng nguyên liệu để nhà máy có đủ nguyên liệu sản xuất, tuyên truyền vận động người dân sau khi thu hoạch tập hợp nông sản về một đầu mối để công ty tiến hành thu mua và chế biến. Nhận thấy tiềm năng về nguồn lao động và giao thông khá thuận lợi, công ty đang dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất, cải tạo, nâng cấp dây chuyền, cơ sở sản xuất để mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới”.
Cùng với thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề công nghiệp, huyện Sa Thầy chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Hệ thống chợ thương mại phát triển mạnh từ trung tâm huyện đến vùng sâu, vùng xa; siêu thị và mảng phân phối hàng hóa được cải thiện theo hướng cung ứng đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Công tác quảng bá, giới thiệu và phát triển các điểm du lịch được quan tâm, nhất là du lịch tâm linh, sinh thái, lịch sử, tạo được sự chú ý, thu hút du khách. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng bình quân hàng năm đạt 11,33%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ chiếm 27,17%, trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trên địa bàn huyện Sa Thầy. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 1,89 lần so với năm 2015. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 13,57%/năm.
Bên cạnh một số kết quả đạt được trong thời gian qua, huyện Sa Thầy vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn có năng lực sản xuất chưa cao, sản phẩm ngành thương mại dịch vụ vẫn còn nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường còn yếu... chính là những yếu tố làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện Sa Thầy tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, tranh thủ mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng trong công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường. Trong đó, chú trọng huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và quy hoạch, tạo ra đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng; tập trung bố trí nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại thị trấn Sa Thầy với diện tích 50ha để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến sản xuất kinh doanh.
Hoàng Thanh