Sa Thầy: Phát triển cây dược liệu và cây ăn trái
Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Sa Thầy tích cực tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân trên địa bàn tập trung phát triển cây dược liệu và cây ăn trái để từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Anh Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) kể lại: Năm 2018, khi được chính quyền xã Hơ Moong xem xét, hỗ trợ cây giống đinh lăng để trồng xen trong vườn cà phê của mình, một số hộ dân tại thôn Đăk Wơk Yốp đã từ chối nhận. Đứng trước thực tế người dân chẳng “mặn mà” với chủ trương phát triển cây dược liệu của địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền xã Hơ Moong đã lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tham gia.
Nhờ được các đoàn thể tuyên truyền, giải thích và nhất là khi thấy một số hộ trong thôn được hỗ trợ giống cây trồng xen trên nền đất cũ, không mất thêm diện tích mà lại tăng thu nhập nên gia đình anh A Khú (thôn Đăk Wơk Yốp) và mọi người tích cực tham gia. Năm 2019, gia đình anh nhận 30 cây đinh lăng giống được hỗ trợ về trồng, đến nay, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
A Khú còn khoe với chúng tôi, với mong muốn thoát nghèo, sắp tới gia đình anh sẽ tự mua giống cây đinh lăng về trồng thêm.
Anh A Phúc - Thôn phó thôn Đăk Wơk Yốp (sinh năm 1981) cho chúng tôi biết, vừa tham gia phát triển kinh tế gia đình, vừa làm gương cho bà con trong thôn phát triển mô hình trồng cây dược liệu, anh đã thuyết phục gia đình tích cực tham gia mô hình ngay từ đầu và năm 2018 gia đình anh được xã hỗ trợ 300 cây giống đinh lăng về trồng. Sau 2 năm triển khai, mô hình trồng xen đinh lăng trong vườn cà phê của anh A Phúc sinh trưởng tốt và tỷ lệ cây sống trên 70%.
|
A Phúc chia sẻ, trồng đinh lăng xen với cà phê rất phù hợp. Vườn đinh lăng của anh năm sau có thể bắt đầu thu hoạch, được Công ty TNHH Thái An (Bình Định) bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thấp nhất 400 nghìn đồng/cây (bao gồm cả củ, thân và lá). Nếu xác định trồng đinh lăng chỉ để lấy thân và lá, thì từ đợt thứ hai thời gian cho thu hoạch chỉ mất khoảng 5-6 tháng. Giá thu mua hiện tại là 120.000 đồng/kg củ, 60.000 đồng/kg thân và 20.000 đồng/kg lá.
Anh Phạm Hồng Việt cho biết: Từ năm 2018 đến nay, nhận sự hỗ trợ của Liên hiệp HTX Nông Công nghiệp Xanh Kon Tum và từ nhiều nguồn khác, xã Hơ Moong đã triển khai trồng mới 30ha cây dược liệu, hỗ trợ 100% cây giống và phân bón cho người dân (gần 90 nghìn cây), trong đó chủ yếu là đinh lăng.
Nhận được hỗ trợ về giống và kỹ thuật từ các dự án giảm nghèo trên địa bàn, nhiều hộ dân ở xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) đã thành công với mô hình cây ăn trái. Hiện tại, nhà nào ở Sa Bình cũng trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê của mình, ít thì vài cây, nhiều lên đến hàng trăm cây. Cách làm này của người dân tận dụng được đất đai và cho thu nhập kinh tế cho hộ gia đình, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn cà phê rộng hơn 2ha được chuyển đổi từ trồng mì trước đây, chị Lê Thị Cúc (thôn Bình Đông, xã Sa Bình) vui mừng chia sẻ: Cây ăn trái trồng xen với cà phê ít sâu bệnh mà lại nhanh lớn. Chưa đầy một năm, 70 cây sầu riêng giống ghép Thái Lan đã phát triển rất tốt, cao gần quá đầu người. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục chọn cây sầu riêng làm cây trồng chủ lực trong phát triển sản xuất của gia đình mình.
Theo ông Trần Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình, thực tế cho thấy chi phí đầu tư và công chăm sóc đối với các loại cây ăn trái không tốn nhiều, nhưng lại cho thu nhập không hề thua kém so với các cây trồng lâu năm. Từ năm 2018 đến nay, UBND xã Sa Bình đã triển khai 5 mô hình trồng cây ăn trái, gồm bơ, mít, sầu riêng; trồng mới khoảng 3.000 cây giống trên 40ha đất xen canh. Đây là hướng đi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Được biết, huyện Sa Thầy đã phê duyệt các dự án phát triển cây dược liệu và cây ăn trái với mục đích mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP trong tương lai. Qua đó, huyện ưu tiên phát triển 5 chủng loại cây dược liệu chính gồm sa nhân tím, ba kích, nghệ, đinh lăng, gấc và đồng thời khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái chủ lực như bơ, mít, sầu riêng.
Anh Giả Tấn Đạt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Bước đầu một số mô hình phát triển cây dược liệu và cây ăn trái trên địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhưng khó khăn hiện nay là sản xuất của người dân vẫn nhỏ lẻ và phần lớn đầu ra sản phẩm của họ chỉ trông chờ vào thương lái, chính điều này là một trong những khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong quy trình sản xuất, tiêu thụ và đánh giá chất lượng sản phẩm của địa phương Sa Thầy. Thời gian tới, các ngành chức năng của huyện sẽ tiếp tục vận động bà con tăng cường chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn nhằm tạo điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng suất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.
Hoàng Thanh