Sa Thầy: Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết
Dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn Sa Thầy vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 9/6, huyện Sa Thầy đã có 16 ổ dịch với 50 ca mắc sốt xuất huyết. Nhiều giải pháp khống chế ổ dịch, hạn chế số ca bệnh mới đang được người dân, chính quyền các cấp và ngành Y tế huyện Sa Thầy triển khai.
Theo báo cáo của Phòng Y tế huyện Sa Thầy, các ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại thị trấn Sa Thầy với 9 ổ dịch/43 ca; Sa Nghĩa có 3 ổ dịch/3 ca; Sa Nhơn có 3 ổ dịch/3 ca và Ya Xiêr có 1 ca.
Sau khi biết tin trên địa bàn xã có 1 ca mắc sốt xuất huyết và các địa phương khác có nhiều ổ dịch, anh Nguyễn Bá Ngự ở làng Lung (xã Ya Xiêr) đã chủ động tổng dọn vệ sinh xung quanh nhà.
Anh Ngự cho biết: Dịch sốt xuất huyết rất nguy hiểm và dễ bùng phát. Tuy nhiên chúng ta có thể chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết bằng việc tổng dọn vệ sinh xung quanh nhà, không để các vũng nước đọng lâu ngày, tạo điều kiện cho lăng quăng/bọ gậy sinh sôi, muỗi phát triển là trung gian truyền bệnh. Thấy xung quanh nhà có nhiều cỏ, rất dễ để muỗi phát triển nên tôi đã dọn cỏ, vệ sinh sạch sẽ.
Hỗ trợ người dân phòng chống dịch, sáng 10/6, UBND xã Ya Xiêr đã ra quân tổng dọn vệ sinh. Lực lượng dân quân hơn 30 người đã chia nhau đến các thôn, làng, các khu vực công cộng trên địa bàn xã để tuyên truyền, vận động giúp đỡ người dân diệt lăng quăng/bọ gậy, góp phần ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
|
Là địa phương có số ổ dịch và ca mắc nhiều nhất, ông Bùi Quốc Tưởng – Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy cho biết: Địa bàn thị trấn có mật độ dân cư đông đúc nên chỉ cần có một trường hợp mắc sốt xuất huyết sẽ dễ bùng phát. Trên địa bàn còn nhiều thửa đất trống, có nhiều hố nước tồn đọng, vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời tiết mưa, nắng thất thường, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển nhanh. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn chủ quan, nên chưa hợp tác với chính quyền địa phương trong việc tổng dọn vệ sinh, thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Từ ngày 10 – 13/6, người dân, chính quyền xã, thị trấn rất vui mừng khi Sở Y tế đã hỗ trợ huyện Sa Thầy phun hóa chất chủ động bằng máy khói tại các ổ dịch trên địa bàn thị trấn.
Ông Bùi Quốc Tường bày tỏ, trước đây, thị trấn đã có phun 21 lần xử lý các ổ dịch nhưng không có kết quả. Hy vọng với đợt phun hóa chất chủ động bằng máy khói của Sở Y tế, địa bàn thị trấn sẽ hạn chế được những ca mắc sốt xuất huyết mới. Cùng với sự hỗ trợ của Sở Y tế, UBND thị trấn đã triển khai xong việc ký cam kết với 2.200 hộ dân trên địa bàn về việc thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Trong bản cam kết nêu rõ các biện pháp mà mỗi hộ gia đình phải làm để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Đằng sau bản cam kết, UBND thị trấn có để ảnh và chú thích minh họa từng giải pháp cụ thể để người dân làm theo. Nếu không thực hiện đúng bản cam kết, các hộ gia đình sẽ bị xử phạt hành chính như trong bản cam kết đưa ra.
|
Bên cạnh đó, UBND thị trấn Sa Thầy đã thành lập 58 tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch. Mỗi tổ gồm 40-50 hộ, có 3 người phụ trách, giám sát, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình vệ sinh môi trường, báo cáo ngay các trường hợp mắc sốt xuất huyết về UBND thị trấn.
UBND thị trấn Sa Thầy đã lên kế hoạch tổ chức ra quân đồng loạt diệt lăng quăng/bọ gậy trên 4 thôn làng đang có dịch (thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4) vào ngày 13/6; các thôn còn lại tự tổ chức dọn vệ sinh môi trường. UBND thị trấn phối hợp với các già làng chia thành từng nhóm 10 – 20 người, làm theo tuyến đường. UBND thị trấn phối hợp Huyện đoàn, các thôn trưởng, già làng huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên cùng nhau tham gia kế hoạch ra quân. Đối với trường học, Hiệu trưởng thông báo cho cán bộ, giáo viên ở tại khu dân cư tích cực tham gia dọn vệ sinh, diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên, nếu không chấp hành sẽ bị xử phát theo quy định.
Cũng như thị trấn Sa Thầy, các địa bàn khác trên địa bàn Sa Thầy đều đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Để khống chế dịch sốt xuất huyết nếu chỉ trông chờ vào ngành Y tế thì khó đạt hiệu quả cao, mà quan trọng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hơn hết là ý thức chủ động, phối hợp của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Văn Tùng