Sa Thầy đẩy mạnh phát triển cây ăn quả
Thời gian qua, huyện Sa Thầy đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây ăn quả, chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang trồng tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Ông Giả Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng trên địa bàn, huyện đang định hướng bà con nhân dân đẩy mạnh trồng một số loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Huyện tạo mọi điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi một phần diện tích từ đất rẫy, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả; đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng sản xuất giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân ứng dụng vào sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học, áp dụng quy trình tưới tiết kiệm nước. Nhiều mô hình, chương trình khuyến nông được triển khai đã cho kết quả tốt, góp phần vào việc hỗ trợ, nhân rộng cho người dân trên địa bàn như mô hình trồng cây gáo vàng 15ha, mô hình trồng mới mắc ca 6ha...
Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện có 860ha các loại cây ăn quả như sầu riêng ghép, mít, bơ, chanh dây... và 29,4ha mắc ca. So với cùng kỳ năm trước, diện tích cây ăn quả trồng mới trên địa bàn đã tăng 66%. Huyện đã có 3 sản phẩm OCOP về cây ăn trái đạt 3 sao cấp tỉnh như: Sầu riêng Mon Thon, mít chan rai của HTX thương mại và dịch vụ Ya Ly; bưởi da xanh của HTX Thái Thanh.
Trong những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ, vận động trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả, nhiều nông dân ở xã Sa Nghĩa đã chuyển đổi diện tích những cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn quả mang lại giá trị cao. Đến nay, xã Sa Nghĩa đã phát triển được gần 33ha cây ăn quả các loại và 3ha mắc ca. Cây ăn quả đang là hướng đi phù hợp giúp phát huy được lợi thế của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo trên địa bàn Sa Nghĩa.
|
Chị Quản Thị Hiền ở thôn Đăk Tăng (xã Sa Nghĩa) là người có kinh nghiệm làm vườn lâu năm. Gia đình chị canh tác tại khu vực rẫy đồi rộng lớn với 4ha cà phê, 400 trụ tiêu và nhiều cây trồng khác. Gần đây diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, được sự tuyên truyền vận động của địa phương và hỗ trợ từ mô hình khuyến nông của huyện, chị đã phát triển được 1ha cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê.
“Đang phân vân vì vườn cà phê già cỗi năng suất kém thì may mắn được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo hướng đi phù hợp. Khi mới trồng (tháng 8/2020) tôi được cán bộ xuống tận nơi chỉ dẫn kỹ thuật, đến nay cây phát triển rất tốt, phù hợp khí hậu, hy vọng sẽ cho thu nhập cao hơn” – chị Hiền chia sẻ.
|
Tương tự như chị Hiền, anh Phạm Hồng Vương (ở thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa) cũng là một nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Nhận thấy vườn cà phê của mình đã kém năng suất, được chính quyền địa phương tư vấn, anh đã chuyển đổi toàn bộ trồng cà phê sang trồng sầu riêng. Nhờ vận dụng tốt kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức được tập huấn, vườn sầu riêng của anh đã phát triển tốt, ít sâu bệnh và hiện tại sắp cho thu bói. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, anh Vương cho biết: “Hiện nay đầu ra cho sầu riêng tại địa phương tương đối ổn định, thời gian gần đây nhiều thương lái đã đến tận rẫy đặt mua nên dự kiến thu nhập sẽ cao hơn nhiều so với vườn cà phê trước đây. Tôi cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân có nhu cầu trồng sầu riêng để phát triển kinh tế gia đình”.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó phát triển cây ăn trái là một trong những hướng đi được Sa Thầy quan tâm, thực hiện, nhằm góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Thanh