Sa Thầy: Chuyển biến từ xây dựng nông thôn mới
Qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Sa Thầy có nhiều khởi sắc, hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân; đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Kim Thái – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, trong nhiệm kỳ qua, huyện Sa Thầy huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và đời sống, tạo ra những chuyển biến tích cực trong xây dựng NTM.
Theo lời đề nghị của đồng chí Chủ tịch UBND huyện “nên xuống cơ sở để kiểm nghiệm”, tôi về thôn Đăk Tân, xã Sa Nghĩa. Đường đến thôn Đăk Tân được bê tông và láng nhựa, xe chạy bon bon.
Đến thôn Đăk Tân, tôi gặp lại thôn trưởng A Jáp. Tay bắt mặt mừng, A Jáp phấn khởi kể: Đời sống người dân trong thôn bây giờ khá lên rồi. Kể từ khi cây cà phê, cao su đi vào khai thác và được chính quyền địa phương hỗ trợ công cụ (thuyền, lưới) đánh bắt cá, người dân có thêm nhiều nguồn thu để nâng cao thu nhập và có nguồn thực phẩm cải thiện đời sống.
Hướng mắt đến người đàn ông ngồi cạnh, A Jáp giới thiệu: Đó là A Tran. Khi ở xã Hà Mòn sang đây tái định cư, A Tran là hộ nghèo. Bây giờ không những thoát nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá trong thôn. A Tran thật lòng: Gia đình tôi trồng gần 1 ha cà phê, vụ thu hoạch vừa qua, tuy mới có 0,5 ha cà phê đi vào kinh doanh, nhưng gia đình thu được 40 triệu đồng. Ngoài trồng cà phê, gia đình nuôi 3 con bò sinh sản, làm 3 sào ruộng nước, 1 sào bời lời; những lúc nông nhàn, tôi còn làm thêm nghề thợ hồ. Tổng thu nhập của gia đình hàng năm khoảng 100 triệu đồng.
|
Anh Phạm Tiến Đông (quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa) đến đây làm công nhân trồng cà phê. Khi hết làm công nhân, Đông khai hoang mở rộng đất sản xuất, đến bây giờ anh đã có 3,5 ha cao su, 3 ha cà phê... Ngoài ra, Đông còn nhận khoán 6 ha cao su. Không tính cao su nhận khoán, chỉ riêng việc sản xuất cao su, cà phê trên trang trại của mình, bình quân mỗi năm Đông thu 500 – 600 triệu đồng. Có của ăn của để, Đông biết ơn vùng đất cưu mang mình, tích cực tham đóng góp xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Tiếp nối câu chuyện, già làng A Nhum khẳng định “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới và sự hỗ trợ của chính quyền trong việc giúp dân tái định cư, cuộc sống người dân thay đổi nhiều rồi. Dân làng không còn ai theo tà đạo Hà Mòn và rất biết ơn Đảng, Nhà nước”.
Đến các xã khác như Hơ Moong, Sa Sơn, Sa Nhơn, Ia Xiêr, Ia Ly..., chúng tôi đều thấy cuộc sống mới đang lên. Đường sá được trải bê tông phẳng lỳ, chạy ngang dọc nối các làng; các công trình công cộng, nhà cửa người dân được xây dựng khang trang hơn.
Theo UBND huyện, trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện huy động trên 150 tỷ đồng (kể cả vốn lồng ghép và nhân dân tham gia đóng góp ngày công) xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn lực xây dựng NTM, đến nay, huyện Sa Thầy có 3 xã (Sa Nghĩa, Sa Sơn, Sa Nhơn) đạt chuẩn NTM; bình quân các xã đạt 12,7/19 tiêu chí nông thôn mới.
Công cuộc xây dựng NTM góp phần tạo ra diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn ngày càng được nâng cao hơn trước.
Với quyết tâm cao nhất, toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã đạt chuẩn xã NTM; có 5 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khoảng 72 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 20%...
Văn Nhiên