Sa Thầy: Chủ động điều trị tích cực bệnh viêm da nổi cục
Trong thời gian chờ đợi vắc xin tiêm phòng viêm da nổi cục, các địa phương trên địa bàn huyện Sa Thầy đã chủ động hướng dẫn, cung cấp thuốc cho các hộ có bò bị mắc bệnh để điều trị tích cực nhằm giảm thiệt hại cho người dân; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cấp cách giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy, tính đến ngày 10/6, trên địa bàn huyện Sa Thầy có 7 xã, thị trấn phát hiện 57 con bò bị bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, 2 con phát bệnh đầu tiên ở xã Ya Xiêr và xã Sa Sơn đã được tiêu hủy, 17 con đã có dấu hiệu khỏi bệnh và 38 con vẫn đang điều trị.
Bà Nguyễn Thị Luyến - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết, sau khi các địa phương báo cáo về các trường hợp bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục, Trung tâm đã đề xuất UBND các xã, thị trấn chỉ đạo nhân viên thú y xã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để dễ điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc nghi mắc bệnh; đồng thời kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, thành lập tổ tiêu hủy trâu, bò bị viêm da nổi cục trên địa bàn theo quy định.
Trong thời gian chờ vắc xin, để điều trị tích cực cho những con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các xã, thị trấn trực tiếp hướng dẫn các hộ dân thực hiện biện pháp phòng, điều trị bệnh. Cụ thể, sau khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, các hộ dân phải thay đổi cách chăm sóc, nâng cao chế độ dinh dưỡng để tăng sức khỏe cho trâu, bò; đồng thời kết hợp các loại thuốc tăng sức đề kháng, điều trị triệu chứng như sốt, lở loét để tránh nhiễm trùng.
Để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò, các hộ dân sử dụng các chế phẩm, thuốc dùng trong thú y như Glucose, Lactate, B-Complex, các loại vitamin A, D, E, C… để tiêm hoặc hòa vào nước uống hằng ngày của trâu, bò.
Đối với trâu, bò có biểu hiện sốt cao (phát hiện qua đo nhiệt độ, gương mũi khô, phân khác thường…) sử dụng các loại thuốc hạ sốt như Anagin, Paracetamol… Khi trâu bò có hiện tượng khó thở cần có biện pháp tiêu đờm, hỗ trợ gia súc dễ thở hơn, tăng cường hoạt động của cơ tim bằng các thuốc như Bromhexin hydroclorid, Cafein…
Đối với trâu bò có dấu hiệu viêm, sưng, người dân cần sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, sử dụng các loại thuốc kháng sinh phổ rộng có thời gian tác dụng kéo dài. Đối với các trường hợp trâu, bò bị lở loét, viêm tiết dịch ở các nốt sần hoặc các vị trí khác trên da, người dân cần rửa sạch vết thương bằng các dung dịch (nước muối sinh lý, thuốc tím, cồn Iodine) kết hợp tiêm kháng sinh hoặc bôi kháng sinh vào vết loét (kháng sinh dạng mỡ, dạng bột như Rivanol, Oxytetraxicline, Pen step…)
Với các biện pháp phòng ngừa và điều trị viêm da nổi cục cụ thể, một số hộ dân có bò mắc bệnh đã chủ động điều trị và cho kết quả tiến triển. Chúng tôi có mặt tại nhà ông A Phên (làng Rắc, xã Ya Xiêr) là hộ đầu tiên phát hiện bò mắc bệnh viêm da nổi cục vào ngày 18/5, sau đó đem đi tiêu hủy. Vài hôm sau, thêm một con trong đàn bị mắc bệnh viêm da nổi cục nhưng nhờ chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, con bò nhà ông đến nay đã đỡ bệnh và ăn uống bình thường.
|
Ông A Phên cho biết: Sau khi phát hiện bò mắc bệnh viêm da nổi cục, xã đã hướng dẫn tôi vệ sinh chuồng trại, rải vôi bột xung quanh chuồng và phun hóa chất khử trùng tiêu độc và thuốc diệt côn trùng tại khu vực xung quanh và bên trong chuồng trại 1 ngày 1 lần đồng thời cho bò ăn thêm cỏ, rơm, uống nước muối. Đến hôm nay con bò trông khỏe hơn, ăn nhiều hơn.
Cũng có hai con bò bị viêm da nổi cục, chị Lê Thị Ánh Tuyết ở làng Trang (xã Ya Xiêr) lo lắng nhiều ngày ăn ngủ không yên, nhưng giờ đây gia đình chị đã bớt lo phần nào khi thấy hai con bò của mình có dấu hiệu khỏe hơn.
|
Chị Tuyết chia sẻ: Chính quyền xã có đến tiêm kháng sinh và theo dõi thường xuyên. Ngoài việc cho ăn cỏ, tôi còn cho bò ăn thêm bột gạo bằng cách hòa chung với nước, đồng thời bổ sung thêm các loại vitamin, thuốc bổ mua ngoài tiệm thuốc thú y giúp tăng sức đề kháng cho bò.
Chỉ tay vào các khối cục đã vỡ trên thân bò, chị Tuyết kể, khi các khối u cục vỡ ra, tôi mua các loại thuốc bôi vào để hạn chế côn trùng bu vào, tránh gây nhiễm trùng cho bò.
Còn tại xã Sa Sơn, nhờ phát hiện sớm và khoanh vùng dịch, nên chỉ một hộ ông Nguyễn Xuân Phong ở làng Ba Rgốc có bò bị bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm hộ nào có bò mắc bệnh.
Ông Đoàn Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết: Sau khi trên địa bàn xã xuất hiện một con bò bị viêm da nổi cục vào ngày 25/5, chính quyền xã đã nhanh chóng tiến hành tiêu hủy và khoanh vùng dịch. Đến ngày 27/5, phát hiện thêm 2 con mắc bệnh viêm da nổi cục tại cùng một hộ. Để phòng ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn, UBND xã chỉ đạo nhân viên y tế xã vệ sinh, rải vôi, phun khử trùng vùng dịch; thông báo rộng rãi đến bà con trong xã biết về tình hình dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn đến bà con một vài biện pháp cơ bản phòng dịch; không cho vận chuyển trâu, bò ra vào địa bàn. Đối với hai con bò mắc bệnh của ông Nguyễn Xuân Phong, nhờ điều trị theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương nên hiện tại có dấu hiệu đỡ hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Luyến - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết: UBND tỉnh đã thống nhất với phương án bố trí kinh phí gần 4 tỷ đồng để mua vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò. Huyện Sa Thầy có khoảng hơn 7.000 con trâu, bò, được phân bổ 315,8 triệu đồng để mua vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, dự kiến mua khoảng 6.200 - 6.500 liều vắc xin, đáp ứng khoảng 80% số trâu, bò trên địa bàn huyện. Hiện các xã, thị trấn đang rà soát, tổng hợp chính xác số trâu bò trên địa bàn để báo về Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.
Văn Tùng