Phụ nữ liên kết sản xuất
Sau quá trình triển khai, mô hình tổ liên kết “Phụ nữ DTTS trồng mì cao sản” và “Phụ nữ DTTS nuôi bò sinh sản” tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Tham gia mô hình, các tổ viên vừa được “chỉ đàng làm ăn”, vừa biết chia sẻ để cùng giúp nhau phát triển.
Những ngày cuối năm, không khó để cảm nhận niềm vui của nhiều chị em phụ nữ ở xã biên giới Rờ Kơi, huyện Sa Thầy khi mì được giá. Không vui sao được khi mỗi người trong số 24 chị em thành viên tổ liên kết “Phụ nữ DTTS trồng mì cao sản” đều có hơn 1ha mì. Chị Y Xuyên – tổ trưởng tổ liên kết hào hứng chia sẻ: Khi nào thu hoạch, chị em lại vần công đổi công để tiết kiệm tiền thuê nhân công từ bên ngoài. Tham gia tổ liên kết, được rất nhiều lợi ích nên chị em phấn khởi lắm.
Tổ liên kết “Phụ nữ DTTS trồng mì cao sản” được thành lập vào năm 2018 với 24 thành viên, tổng diện tích khoảng 27ha. Ban đầu, mỗi chị em trong tổ được hỗ trợ vay 10 triệu đồng không lãi suất (nguồn vốn từ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương) để mua giống mì cũng như đầu tư phân bón, phục vụ việc cải tạo đất, trồng mì. Trong khoảng thời gian thực hiện, các chị em thường xuyên họp, chia sẻ kinh nghiệm, cách phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ nhân công để cùng thực hiện. Cùng với đó, mỗi năm, các chị sẽ tiết kiệm, trả góp đủ số tiền 10 triệu đồng ban đầu để tiếp tục hỗ trợ các chị em khác cùng tham gia mô hình.
|
Được giám sát, trong quá trình thực hiện, các tổ viên, ai nấy đều có trách nhiệm với nguồn vốn cũng như nỗ lực trong sản xuất. Sau 3 năm triển khai, từ số tiền hoàn trả của các tổ viên, có thêm 3 chị khác được hỗ trợ. Chị Y Xuyên phấn khởi cho biết: “Mình thấy mô hình rất ý nghĩa, vừa tạo động lực để chị em có điều kiện để phát triển kinh tế, vừa tăng tình đoàn kết. Năm qua, nhờ cùng giúp đỡ nhau phòng trừ sâu bệnh nên may mắn diện tích mì trong mô hình không bị khảm lá. Mình cũng động viên các chị tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, cố gắng trả hết số tiền ban đầu để tạo cơ hội cho các chị khác tham gia mô hình”.
Không riêng tổ liên kết “Phụ nữ DTTS trồng mì cao sản”, với phương châm chung sức giúp nhau phát triển kinh tế, không để chị em nào bị tụt lại phía sau, năm 2019, Hội LHPN huyện Sa Thầy cũng thành lập thêm 1 mô hình tổ liên kết “Phụ nữ DTTS chăn nuôi bò sinh sản” tại làng Gia Xiêng, xã Rờ Kơi.
Ban đầu, 10 thành viên trong tổ liên kết- là phụ nữ nghèo, cận nghèo- sẽ được vay không lãi suất 10 triệu đồng để mua bò sinh sản. Mỗi thành viên khi tham gia mô hình, được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăn nuôi, cách chăm sóc bò để đảm bảo đàn bò phát triển tốt nhất. Đặc biệt, mỗi hội viên tham gia mô hình đều đồng tình và ký cam kết khi bò sinh sản lứa bê đầu tiên, bê con được 7-12 tháng tuổi, hộ phụ nữ phải báo cáo để luân chuyển cho hộ gia đình phụ nữ khác.
Chị Y Cher ở thôn Gia Xiêng chưa từng nuôi bò cho đến khi tham gia vào mô hình tổ liên kết “Phụ nữ DTTS chăn nuôi bò sinh sản”. Thoạt đầu, chị cũng khá e ngại, lo sợ không chăn nuôi được sẽ lỗ vốn. Nhưng, được động viên, được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách trồng cỏ voi... chị đã mạnh dạn sử dụng 10 triệu đồng và bỏ thêm 5 triệu đồng để mua 1 con bò cái. Vừa qua, chị vui mừng khi bò cái đã sinh sản ra 1 con bê con. “Mình trồng cỏ voi quanh năm để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Mình sẽ nuôi bê con lớn lên rồi chuyển cho chị em khác. Năm nay mình thoát nghèo rồi, mình phải luân chuyển bò theo cam kết để mọi người cùng có cơ hội làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo như mình” – chị Y Cher vui mừng chia sẻ.
|
Không riêng chị Y Cher, với mục tiêu đề ra cộng thêm sự chăm sóc kỹ lưỡng, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, từ 10 con bò ban đầu, đàn bò đã được nhân lên thành 14 con; không có trường hợp bò chết hoặc gia đình tự ý bán.
Được biết, vì đàn bê đang còn nhỏ nên tổ liên kết đang động viên các thành viên cố gắng chăn nuôi, đợi đến 7-12 tháng tuổi sẽ chuyển cho các chị em khác để nhân rộng mô hình. Chị Y Huệ - Chủ tịch Hội LHPN xã Rờ Kơi nói rằng, 2 mô hình tổ liên kết đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ tạo điều kiện về vốn ban đầu để chị em cùng phát triển, liên kết thực hiện, tham gia mô hình, chị em có trách nhiệm với việc sản xuất, chăn nuôi cũng như biết cách chia sẻ, giúp đỡ các chị em khác. “Hiện nay, trên địa bàn xã còn 189 chị em hội viên phụ nữ nghèo. Trong thời gian đến, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển 2 mô hình để cùng với các cấp, chính quyền địa phương giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em” – chị Huệ nói.
Hoài Tiến