Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở Sa Thầy
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, đề phòng phát sinh dịch bệnh, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn trong huyện triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, trong đó chú trọng tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Huyện Sa Thầy hiện có hơn 15.500 con gia súc, 140.000 con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xuất hiện 2 ổ dịch lở mồm long móng tại xã Ya Xiêr và thị trấn Sa Thầy, 1 ổ dịch tả lợn Châu phi ở làng Khuk Loong, xã Rờ Kơi.
Thị trấn Sa Thầy là địa bàn thường xuyên có đàn gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng. Theo ông Bùi Quốc Tưởng - Chủ tịch UBND thị trấn, nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của một số người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc còn hạn chế, mầm bệnh tại khu dân cư vẫn còn. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, địa phương kiểm soát chưa tốt việc một số hộ dân mua gia súc từ nơi khác về, chuồng trại chăn nuôi của bà con đồng bào DTTS chưa đảm bảo vệ sinh, dễ sinh dịch bệnh.
Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh, số lượng thú y viên cơ sở bị cắt giảm 2/3 so với trước đây cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các nhiệm vụ tại cơ sở.
|
Bà Nguyễn Thị Luyến - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết: Sau khi Nghị quyết 36 của HĐND tỉnh được ban hành, mỗi xã, thị trấn chỉ còn 1 thú y viên (trước đây là 3 cán bộ thú y) nên ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm phòng. Đây là nghề đòi hỏi về chuyên môn và kinh nghiệm nên rất khó để huy động lực lượng khác tham gia.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, huyện Sa Thầy đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh môi trường nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm và thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh. Đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã hoàn thành việc tiêm phòng trị bệnh cúm gia cầm 2 đợt với 14.000 liều vắc xin, hơn 2.000 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn lợn. Huyện cũng đang tiếp tục triển khai tiêm hơn 10.500 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn gia súc, phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các thôn làng trên địa bàn. Đồng thời, triển khai các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức chủ động phòng chống dịch bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; khi tái đàn, người dân nhập nguồn giống, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn Châu Phi.
“Từ nay đến cuối năm nhu cầu tái đàn lợn của hộ chăn nuôi sẽ rất cao, vì vậy, huyện đã chỉ đạo các tổ công tác tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nguồn giống nhập như tình hình vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật ra vào trên địa bàn các xã và huyện…” - bà Nguyễn Thị Luyến cho biết thêm.
Cũng theo theo bà Luyến, hiện nay, để khắc phục khó khăn do thiếu cán bộ thú y cơ sở, một số xã đã triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc một cách linh hoạt và phù hợp với địa bàn. Cụ thể như xã Rờ Kơi đã triển khai mỗi thôn làng làm 2 cái róng tập trung ở khu vực trung thôn; tuyên truyền, vận động người dân đưa đàn bò đến phối hợp lùa bò vào róng đúng thời gian quy định để tiêm phòng. Các xã còn huy động thêm lực lượng là cán bộ thú y cơ sở đã nghỉ theo Nghị quyết 36 cùng tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, một số địa phương đã đề xuất giải pháp với UBND huyện có hướng thành lập các cụm xã để hỗ trợ phòng, chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra.
Với sự tinh thần chủ động khắc phục khó khăn do thiếu nhân lực tham gia phòng, chống dịch bệnh gắn với tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh, kiểm soát nguồn con giống… sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện Sa Thầy đạt hiệu quả.
Mạnh Thắng