Phát triển nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hướng đến và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) được đánh giá là đơn vị có nhiều nỗ lực trong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Được thành lập từ năm 2007 với 7 thành viên, trong những năm đầu thành lập, HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác mủ cao su. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tình hình thực tế và nhận thấy phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển đang được người tiêu dùng lựa chọn, HTX đã chuyển sang sản xuất trái cây sạch.
Ông Nguyễn Văn Xuân-Giám đốc HTX cho biết: Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy nông nghiệp hữu cơ (còn gọi là canh tác hữu cơ) là hệ thống nông nghiệp canh tác dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ, chú trọng vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học…và người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ. Trong khi giá cả các loại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (đặc biệt là trái cây) cao, nhu cầu tiêu dùng cao nhưng trên địa bàn còn ít mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ này. Bởi vậy, bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi đã thống nhất chuyển đổi từ cây cao su sang các loại trái cây hữu cơ.
|
Sau hơn 6 năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, đến nay, HTX Đoàn Kết đã có gần 20 ha cây ăn quả, gồm cam, bưởi, quýt, ổi, na, sầu riêng, dưa lê, dưa lưới…theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển xu hướng sản xuất này để có thể cung cấp sản phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng trên diện rộng hơn” - ông Nguyễn Văn Xuân cho hay.
Không chỉ đầu tư vào cây ăn trái, phát triển nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân trên địa bàn tỉnh tập trung vào nhiều cây trồng khác nhau: rau, củ, quả…(tập trung nhiều ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Kon Plông), cà phê (tập trung nhiều ở huyện Đăk Hà); lúa (thương hiệu gạo sạch xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum); các loại cây dược liệu (tập trung nhiều ở các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông)…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay, chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở gia cầm với số lượng khoảng 3 nghìn con và nuôi trồng thủy sản (khoảng 700 ha mặt nước nuôi trồng theo hướng hữu cơ và sinh thái). Anh Huỳnh Thanh Tú-Giám đốc HTX nhà nông Hoàng Bách Kon Tum, HTX tiên phong trong phát triển mô hình nuôi gà dược liệu trên địa bàn tỉnh cho biết: Nuôi gà dược liệu (chính là chăn nuôi hữu cơ) rất thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vì trong quá trình chăn nuôi chúng tôi hoàn toàn sử dụng các sản phẩm tự nhiên (thức ăn trộn dược liệu riêng biệt; nước uống dược liệu; có lò xông thuốc từ dược liệu dẫn đến xung quanh trại…). Bởi vậy, sản phẩm chúng tôi đưa ra thị trường (gà thịt, trứng) không có chuyện tồn dư hóa chất, hay kháng sinh…nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng…
Có thể thấy rằng, trước nhu cầu của người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải không ngừng nỗ lực để có sự thay đổi. Tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xác định nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Bởi nông nghiệp hữu cơ không chỉ đảm bảo cung cấp các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người cũng như đáp ứng phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mà còn bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án về đầu tư phát triển vùng kinh tế động lực, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Dù nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và phát triển, từng bước đáp ứng những yêu cầu về chất lượng, tăng về số lượng, tuy nhiên hiện tại mới ở quy mô nhỏ lẻ, mô hình, đa số chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất theo hướng hữu cơ chưa được chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Theo tìm hiểu từ các đơn vị, trong quá trình canh tác hữu cơ gặp một số khó khăn. Người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động, chi phí đầu tư cao. Việc sản xuất trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật nên khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất có thể không cao, đòi hỏi người sản xuất phải nỗ lực một thời gian để có sự cân bằng sinh thái trở lại. Sản xuất hữu cơ phải có sự đầu tư cao về chi phí, công sức, thời gian, nên giá thành sản phẩm cao, trong khi đó một số người tiêu dùng lại chưa hiểu hết giá trị nên chưa mặn mà chấp nhận sản phẩm…
Tuy nhiên, với xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ để tạo ra nền nông nghiệp bền vững, an toàn, tỉnh ta có rất nhiều lợi thế để đón đầu. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1325/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng đến từng ngành chức năng, các địa phương, hy vọng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn.
Phúc Nguyên