Phát triển nhanh hơn, mạnh hơn từ “đôi cánh” động lực
Ngày 20/9/2021, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh.
Từ Đại hội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ tỉnh đã xác định việc “hình thành và phát huy vai trò của các vùng kinh tế động lực” là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu “đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa tỉnh Kon Tum thoát nghèo”.
Cụ thể hóa giải pháp ấy, ngày 20/4/2007, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về “đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020". Trong đó xác định phạm vi các vùng kinh tế động lực gồm: Thị xã Kon Tum gắn với các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình và các khu đô thị mới; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với xây dựng, phát triển thị trấn Plei Kần đạt tiêu chuẩn loại IV; trung tâm huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen.
Qua 14 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU khóa XIII, các vùng kinh tế động lực đã hình thành, phát triển, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
|
Thành phố Kon Tum được tập trung đầu tư chỉnh trang; không gian đô thị được mở rộng theo hướng hiện đại, cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II. Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Huyện Kon Plông đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao; thành lập thị trấn Măng Đen; Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã được quy hoạch, phát triển, bước đầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND tỉnh, kinh tế các vùng động lực phát triển chưa bền vững, thiếu đột phá; một số tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư chưa đạt yêu cầu, chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn trên địa bàn.
Dù vậy, kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU khóa XIII đã đem lại những động lực phát triển mới, dọn đường cho việc thu hút các dự án lớn đầu tư vào tỉnh gần đây.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, dự báo phát triển của từng vùng, đồng thời, để ưu tiên tập trung nguồn lực, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới, ngày 20/9/2021, Tỉnh ủy khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU lựa chọn thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông để tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu là huy động, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế động lực, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 76/NQ-HĐND.
Theo đó, đối với vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum, tập trung đầu tư phát triển, đạt tiêu chí đô thị loại II vào trước 2025. Từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị thành phố với định hướng hiện đại, sôi động và bền vững theo mô hình “Thành phố xanh mới- New Green city”; xứng tầm là trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị, khoa học kỹ thuật và vùng kinh tế động lực của tỉnh.
|
Đối với huyện Kon Plông, trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh vào năm 2025. Xây dựng trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm du lịch đa dạng, phong phú về loại hình với thương hiệu riêng, hạ tầng hiện đại, chất lượng phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025; xây dựng trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có hàng loạt chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ theo hướng phối, kết hợp các chính sách có liên quan, đảm bảo kết nối thành hệ thống, từ đó tạo cơ sở để vùng kinh tế động lực phát triển.
Trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và thị trường bất động sản; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với liên kết các vùng kinh tế động lực…
Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế đặc thù trong phân cấp quản lý ngân sách giai đoạn 2022-2025 nhằm tạo điều kiện để các vùng kinh tế động lực phát triển, cũng như huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Với khát vọng đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, Nghị quyết số 04-NQ/TU sẽ là “cú hích” để thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông vươn lên thành trung tâm kinh tế của tỉnh, từ đó lan tỏa, thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04-NQ/TU, tỉnh ta sẽ có thêm “đôi cánh” động lực để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Hồng Lam