Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 07/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh”, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh được bảo vệ tốt, tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đời sống của người dân sống gần rừng được quan tâm và từng bước được cải thiện.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, tỉnh ta lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không giao chỉ tiêu khai thác, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc buông lỏng quản lý… trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ vậy, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%; đời sống của người dân sống gần rừng được quan tâm và từng bước được cải thiện. Đặc biệt, đã có 4/5 mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Đối với mục tiêu “Bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ đặc dụng”, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã chú trọng quản lý bảo vệ tốt rừng tự nhiên. Tính đến năm 2020, diện tích rừng tự nhiên là 547.775,9ha, tăng 1.387,2ha so với năm 2016. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm và ít bị biến động, đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, khai thác khoảng 130.000 m3 gỗ rừng trồng sản xuất phục vụ nhu cầu dân dụng và chế biến trên địa bàn” vượt so với Nghị quyết đề ra. Tổng khối lượng gỗ khai thác tận dụng, khai thác tỉa thưa rừng trồng, khai thác gỗ vườn nhà, gỗ cao su là 233.944 m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu dân dụng và chế biến trên địa bàn và xuất khẩu. Nhìn chung, các đơn vị thực hiện nghiêm khai thác và trồng lại đúng chu kỳ theo phương án đã được phê duyệt.
|
Mục tiêu “Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững khoảng 780.000ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, góp phần giữ ổn định độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh” đạt Nghị quyết đề ra. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp 781.153,06ha trên địa bàn tỉnh được thiết lập quản lý thống nhất theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và ngoài thực địa, phân theo chức năng 3 loại rừng; trong đó, diện tích có rừng 609.468,58ha và diện tích chưa có rừng 171.684,5ha; độ che phủ rừng đạt 63%.
Chỉ tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 2.400ha rừng tập trung, 50.000 cây phân tán là cây gỗ lớn, cây gỗ quý hiếm; khoanh nuôi trồng bổ sung 120ha rừng phòng hộ, đặc dụng” vượt Nghị quyết đề ra. Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh ta đã tiến hành trồng mới được 2.780,73ha rừng tập trung, 293.478 cây lâm nghiệp phân tán; khoanh nuôi phục hồi rừng được 374,38ha. Một số đơn vị chủ rừng đã sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng để trồng rừng, góp phần cải thiện chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng; chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu sang kinh doanh gỗ lớn, nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động cấp chứng chỉ rừng (FSC), tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng (nhất là sâm Ngọc Linh).
Riêng chỉ tiêu “Nuôi dưỡng làm giàu rừng 200ha và xây dựng vườn thực vật rừng đặc dụng 46ha” chưa đạt Nghị quyết đề ra. Giai đoạn 2016-2020 đã nuôi dưỡng làm giàu rừng được 152,8ha; chưa xây dựng được vườn thực vật rừng đặc dụng (chưa được Trung ương phân bổ vốn thực hiện theo quy định).
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, thông qua các chính sách sách chi trả quản lý bảo vệ rừng, đời sống của người dân sống gần rừng được quan tâm và từng bước được cải thiện. Đến nay, tỉnh ta đã tiến hành giao đất, giao rừng, cho thuê rừng với diện tích 13.795,04ha đối với các tổ chức, cá nhân. Trong đó, giao đất, giao rừng cho 35 cộng đồng với tổng diện tích 6.391,15ha, đạt 158,3% kế hoạch (giao theo Dự án của Viện CODE và KWf10); cho thuê rừng với tổng diện tích 7.461,29ha, đạt 74,6% kế hoạch để thực hiện các dự án trồng dược liệu, nông nghiệp; khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 373 cộng đồng, 140 nhóm hộ và 2.578 hộ gia đình với diện tích 216.701,2ha. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã được sử dụng giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.190 tỷ đồng.
Phải khẳng định rằng, việc cộng đồng được giao khoán quản lý bảo vệ mang lại hiệu quả. Diện tích rừng được người dân nêu cao ý thức bảo vệ nên không xảy ra tình trạng cháy rừng, phát rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép... Tài nguyên rừng trên địa bàn được bảo vệ, rừng ngày càng hồi sinh, phát triển.
Người dân sống ở gần rừng không chỉ được hưởng lợi từ việc giao khoán quản lý bảo rừng, từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng mà còn phát triển dược liệu dưới tán rừng. Hiện nay, tổng diện tích dược liệu dưới tán rừng khoảng 1.867,8ha; trong đó sâm Ngọc Linh khoảng 907,2ha; hồng đẳng sâm khoảng 406,3ha; sa nhân khoảng 100ha; đương quy khoảng 52ha... Một số mô hình phát triển kinh tế dựa tài nguyên rừng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các mô hình nông lâm kết hợp, khai thác lâm sản ngoài gỗ theo hướng bền vững (đã khai thác được 1.827 tấn nhựa thông, 572 tấn cu ly, 122 tấn dây máu chó và 94,9 nghìn sợi song mây...).
Hà Nam