Phát triển lâm nghiệp bền vững
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hướng đi này đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Tấn Liêm – Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp đúng đắn và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích. Chính quyền địa phương cũng huy động mọi nguồn lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là diện tích rừng tự nhiên. Qua đó, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, giải pháp quan trọng hàng đầu được ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai là phát triển rừng gắn liền với sinh kế của người dân, cụ thể là các cộng đồng DTTS.
Trong đó, hoạt động giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích được giao, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân, góp phần giảm nghèo. Đến nay, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích đã giao rừng nhưng chưa được hưởng lợi cho 11 cộng đồng với 7.935,4ha.
|
Vấn đề phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với phát triển kinh tế rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh triển khai trồng mới được 2.125 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên 2.022 ha, góp phần duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực tiễn cho thấy, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quản lý và khai thác rừng đã góp phần tích cực trong giảm nghèo và mang lại sự thay đổi về môi trường.
Điển hình như mô hình giao đất giao rừng gắn với bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng 4 làng đồng bào DTTS của xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) với diện tích 86,1ha. Ngoài thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, các cấp, các ngành đã hỗ trợ hơn 2.000 cây lâm nghiệp để trồng bổ sung vào rừng đầu nguồn, thí điểm trồng sa nhân tím dưới tán rừng với khoảng 5.000 cây…Qua đó, vừa góp phần phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp họ yên tâm gắn bó với rừng.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2025 là bảo vệ diện tích rừng hiện có, đồng thời, phát triển mới 10.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 63,75%. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, các hoạt động, tổ chức sản xuất lâm nghiệp cần được củng cố toàn diện và đồng bộ, trong đó trọng tâm là quản lý rừng, đẩy mạnh phát triển rừng và phát triển dược liệu dưới tán rừng, thu hút người dân tham gia phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế từ rừng.
|
Ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; huy động tối đa các nguồn lực tài chính và lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên cùng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm; đẩy mạnh việc giao đất đối với diện tích do UBND cấp xã tạm quản lý, đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ thực sự để người dân sống gần rừng tích cực tham gia làm nghề rừng và hưởng lợi từ rừng.
Ở những địa phương có lợi thế, sử dụng có hiệu quả môi trường rừng tự nhiên đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng, khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tạo ra giá trị kinh tế mới, trong đó chú trọng phát triển những loài có giá trị cao dưới tán rừng tự nhiên như: Sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, mật ong rừng... Đầu tư trồng rừng thay thế để phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng bằng những loài cây bản địa, đặc hữu góp phần nâng cao độ che phủ, bảo tồn đa dạng sinh học.
Sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng thông qua thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, chú trọng nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích, đồng quản lý trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận giữa chủ rừng và các đối tượng tham gia quản lý; kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các mặt hàng đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là hướng đi đúng đắn để sử dụng, khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.
Thiên Hương