Phát triển hợp tác xã ở Kon Plông
Sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của tỉnh, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Kon Plông đã có bước phát triển đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 19 HTX được thành lập mới, đây là một con số ấn tượng nếu so với 2 HTX được thành lập mới trong giai đoạn 2013-2015.
Đến hết năm 2021, toàn huyện có 36 HTX, trong đó có 23 HTX đang hoạt động, thu hút 184 thành viên tham gia (trong đó HTX vận tải 14 thành viên, HTX thương mại, dịch vụ là 16 thành viên và HTX nông nghiệp là 154 thành viên), tăng 86 thành viên so với năm 2013.
Tổng nguồn vốn hoạt động của 23 HTX đang hoạt động là hơn 94,1 tỷ đồng. Trong đó, HTX có vốn điều lệ hoạt động cao nhất là 30 tỷ đồng (năm 2013 là 21,5 tỷ đồng). Bình quân nguồn vốn hoạt động của 1 HTX đang hoạt động là 4,28 tỷ đồng (năm 2013 là 1,647 tỷ đồng).
Điều đáng mừng là số lượng HTX áp dụng mô hình quản lý tách bạch Hội đồng quản trị với Ban giám đốc HTX chiếm đa số. Việc áp dụng mô hình này đem lại hiệu quả rõ rệt khi tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đảm bảo tính minh bạch, tạo được niềm tin của các thành viên khi huy động vốn góp.
Để đạt được kết quả trên, ngày từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020, đề ra chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm.
Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện chủ động phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX; tổ chức các hội nghị gặp mặt các HTX trên địa bàn nhằm tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính, thu hồi nợ đọng; giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động của HTX. Qua kiểm tra, giám sát đã đánh giá được những ưu, khuyết điểm của các HTX, đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tiếp theo và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, huyện quan tâm hỗ trợ các HTX phát triển bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là hỗ trợ thủ tục, hồ sơ cho các HTX tiếp cận và vay vốn ưu đãi khi có nhu cầu từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh; tạo điều kiện để các HTX tiếp cận được các nguồn tín dụng ngân hàng; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ kinh phí phát triển hạ tầng; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ; hình thành chuỗi liên kết…
|
Với sự quan tâm đặc biệt ấy, hoạt động của các HTX đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp; tập hợp người sản xuất nhỏ lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống; là cầu nối liên kết giữa các nhà trong sản xuất, là chỗ dựa cho kinh tế hộ gia đình phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kinh tế tập thể, mà đại diện là HTX, ở huyện Kon Plông còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Đó là, số lượng thành viên của mỗi HTX còn ít, hoạt động còn yếu, hiệu quả chưa cao; nguồn vốn còn khó khăn; cơ sở vật chất thiếu thốn, một số HTX chưa có trụ sở làm việc, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ; bộ máy quản lý điều hành thiếu ổn định và thiếu chiều sâu.
Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm để xây dựng phát triển HTX của nhiều thành viên chưa cao, còn trông chờ và nặng về quyền lợi trước mắt, chưa tự giác đóng góp để xây dựng HTX.
Vì vậy, theo UBND huyện Kon Plông, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục gắn việc phát triển kinh tế tập thể với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ HTX trong việc tìm nguồn nguyên liệu và thị trường cho sản phẩm.
Phổ biến, hướng dẫn cụ thể các chương trình, chính sách của Nhà nước về kinh tế tập thể đến các HTX, nhất là các hình thức khuyến khích phát triển HTX. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn quan tâm tới quá trình hoạt động của HTX, tổ hợp tác, trong đó có việc bố trí cán bộ phụ trách chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế tập thể để có thể tiếp nhận và kịp thời tham mưu tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho HTX, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, từng HTX cũng cần nỗ lực, tự thân khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để vươn lên, không trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Khắc phục yếu kém trong quản lý; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường hoạt động liên kết, kết nối để có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức thành viên về kinh tế tập thể; khắc phục sự ỷ lại HTX, thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, phát triển HTX để được HTX phục vụ, mang lại lợi ích cho từng cá nhân.
Trịnh Minh