Phát triển du lịch ở các vùng kinh tế động lực: Liên kết tạo sức mạnh bó đũa
Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường liên kết các vùng kinh tế động lực trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch, kinh tế đêm… nhất là huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum”. Liên kết tạo sức mạnh bó đũa, liên kết để phát triển là yêu cầu tất yếu trong phát triển du lịch hiện nay.
1. Trong những năm qua, mặc dù tỉnh ta đã có các chính sách, định hướng quan trọng nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội khai thác du lịch; tham gia các chương trình, dự án của ngành du lịch nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự phát triển tương xứng.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 trung bình 4,6%/năm (đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Lâm Đồng); công suất sử dụng phòng đạt bình quân 67%; doanh thu du lịch năm 2020 gấp 1,46 lần so năm 2011. Tuy nhiên, hệ số lưu trú (ngày khách/lượt khách) còn thấp (khoảng 1,5), doanh thu ngành chủ yếu đến từ doanh thu phòng ngủ và ăn uống, doanh thu lữ hành chỉ chiếm 0,3%.
Hệ số lưu trú thấp, doanh thu lữ hành thấp cũng là điều dễ hiểu, khi ngành du lịch tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch còn hạn chế; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch quy mô còn nhỏ, thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp; nguồn nhân lực du lịch mỏng; sản phẩm du lịch chưa đa dạng... thì còn phải kể đến việc liên kết phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, chưa tạo được sự đột phá. Thiếu sự liên kết trong phát triển các tour, các sản phẩm để taọ ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị, đáp ứng các tiện ích và dịch vụ nên khó kích thích sự tiêu dùng và níu chân du khách.
|
Còn nhớ, trong một lần trò chuyện với ông Nguyễn Đô Huynh – Giám đốc Công ty du lịch Miền Cao, người có “thâm niên” với du lịch Kon Tum (trước đây là Trưởng phòng Lữ hành của Trung tâm điều hành Du lịch thuộc Công ty Du lịch Kon Tum) đã cho rằng, để du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng phát triển, rất cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng bàn bạc, thống nhất để có một chiến lược phát triển cụ thể. Không thể mãi vẫn cứ theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, Kon Plông kéo khách về Kon Plông, thành phố Kon Tum kéo khách về thành phố Kon Tum… mà thiếu đi sự liên kết, thiếu đi một hướng đi đồng bộ.
2. Thông thường, khi du khách lựa chọn điểm đến nào đều tính đến phương án lưu trú, tham quan các điểm đến liền kề để có thể tận hưởng, tìm hiểu sâu cảnh sắc, nét đẹp, sự độc đáo của địa phương đó. Bởi vậy, liên kết để làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch, phục vụ tốt cho du khách là hết sức cần thiết. Đặc biệt, sự liên kết giữa các vùng kinh tế động lực, vùng có thế mạnh về phát triển du lịch còn mang ý nghĩa chiến lược, tầm nhìn phát triển dài hạn và bền vững.
Nghị quyết số 04-NQ/TU về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Khi mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho từng vùng đã được xác định, việc liên kết phát triển du lịch sẽ tạo nên mối quan hệ tương hỗ hai bên cùng có lợi.
Theo thống kê, hàng năm, thành phố Kon Tum thu hút một lượng khách lớn, chiếm khoảng 45% khách du lịch toàn tỉnh, lượng khách du lịch từ 200.000 - 250.000 lượt/năm đến tham quan. Nếu liên kết tốt, cũng sẽ thu hút được tương tự lượng khách này đến với Kon Plông.
Thực tế hiện nay cả hai vùng kinh tế động lực chưa có nhiều sự phối hợp để tạo tour liên vùng, sản phẩm du lịch vẫn còn thiếu điểm nhấn; sản phẩm du lịch Kon Plông - Măng Đen chủ yếu tập trung vào loại hình du lịch tham quan (lịch sử, thắng cảnh); du lịch văn hóa đang trong giai đoạn hình thành (lễ, hội, hoa anh đào, chùa,...) nhưng chưa ổn định; du lịch ẩm thực, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo chưa có điều kiện phát triển...
|
3. Việc liên kết giữa các vùng kinh tế động lực trong phát triển du lịch là yêu cầu tất yếu trong xu hướng lựa chọn “Một hành trình – nhiều điểm đến” của du khách hiện nay. Đặc biệt, khi du lịch Kon Tum nói riêng, du lịch trong cả nước nói chung phải trải qua một thời gian dài bị “đóng băng” bởi dịch bệnh Covid -19, để kích hoạt, tái khởi động trở lại ngành du lịch, nếu vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà thiếu đi sự liên kết sẽ khó mà tạo nên sức mạnh bó đũa.
Khi có sự liên kết trong phát triển du lịch sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp, sẽ có các chương trình du lịch từ thành phố Kon Tum đi Kon Plông và ngược lại. Từ thành phố Kon Tum (trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, nơi tập trung đông dân cư, thuận tiện về giao thương và là điểm tập kết khách du lịch khi đến Kon Tum) đến Kon Plông chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô, xe máy. Quốc lộ 24 được trải nhựa, đầu tư mở rộng, đường sá đi lại rất thuận tiện nên có thể đi về trong ngày, du khách có nhiều cơ hội lựa chọn, trải nghiệm các sản phẩm du lịch. Du khách sau khi tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, các công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo mang tính tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc như: Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, Tổ đình Bác Ái, Nhà rông Kon Klor; thăm, trải nghiệm Làng du lịch cộng đồng Kon Ktu...; tham quan, mua sắm, trải nghiệm các dịch vụ ăn uống, giải trí ở thành phố Kon Tum có thể di chuyển đến huyện Kon Plông. Ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Kon Plông – Măng Đen tiết trời dễ chịu, cây cối xanh tươi, hoa lá nở bốn mùa, du khách thăm tượng Đức mẹ, chùa Khánh Lâm, thác Pa Sĩ, hồ Đăk Ke, các khu nông nghiệp công nghệ cao, gặp gỡ những con người hồn hậu, mến khách còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống…
Liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai vùng kinh tế động lực, cùng gắn kết, hỗ trợ nhau để phát triển. Liên kết sẽ có sự lựa chọn những điểm đến tiêu biểu, những thế mạnh của từng vùng, điểm tương đồng của hai vùng để có sự đầu tư bài bản. Điều quan trọng là hai vùng kinh tế động lực cần phối hợp, sớm có các định hướng, giải pháp cụ thể. Cùng với việc tận dụng lợi thế riêng biệt của từng vùng, hai vùng kinh tế động lực cần có chính sách chung, sản phẩm chung; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu các điểm đến; phối hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư... nhằm tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp để du khách có cơ hội trải nghiệm tốt nhất.
Kon Tum sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch, nếu các địa phương, đặc biệt là hai vùng kinh tế động lực – hai địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch vượt qua những “rào cản” cũ. Sức mạnh bó đũa vẫn luôn là bài học đáng thực thi, đáng quan tâm trong bối cảnh kích hoạt phát triển du lịch sau dịch bệnh Covid -19 như hiện nay.
Nguyên Phúc