Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản là chủ trương được tỉnh ta triển khai từ năm 2018. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương để thực hiện chủ trương trên.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 23 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Hình thức liên kết là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp có liên kết với các tổ chức, cá nhân cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tất cả các quy trình từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Nhờ đó, doanh nghiệp phát triển, người nông dân sống “khỏe” với sản xuất nông nghiệp; mối liên kết ngày càng bền chặt.
Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê chè hữu cơ giữa Tổ hợp tác sản xuất cà phê chè thôn Bê Rê (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei) với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) với diện tích hơn 100 ha. Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm hướng dẫn kỹ thuật thu hái quả chín và thu mua quả cà phê chín đạt tỷ lệ trên 98%, mức giá thu mua cao hơn so với giá thị trường là 500 đồng/kg; thành viên của Tổ hợp tác có trách nhiệm sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật nhằm đưa ra thị trường cà phê đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ.
|
Để xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Đăk Hà, thời gian qua huyện Đắk Hà đã hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê vối an toàn theo tiêu chuẩn 4C, UTZ. Hiện nay, toàn huyện Đăk Hà có 750 ha cà phê trên địa bàn các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọc, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, áp dụng tưới tiêu phun mưa tự động, giá thu mua cao hơn giá bình quân của thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh liên kết với các nhóm hộ, hợp tác xã tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm theo đúng quy trình hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm mà các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và bán ra trên thị trường đều đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận, mang lại lợi nhuận cao cho cả người sản xuất và nông dân.
Cùng với cà phê, những năm gần đây, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ mía nguyên liệu giữa Công ty Cổ phần Đường Kon Tum và một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Đăk Tô đang được đánh giá cao. Theo đó, nông dân của các hợp tác xã được Công ty hỗ trợ công làm đất, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng cây giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm theo giá bảo hiểm là 830 đồng/kg. Điều này, giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng được mùa mất giá, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng, doanh nghiệp không phải loay hoay về vùng nguyên liệu.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp- dịch vụ Ngọc Tụ Lê Văn Bắc cho biết: Hợp tác xã có 17ha tham gia trồng mía liên kết từ năm 2018 đến nay. Trước đây, khu ruộng này chỉ trồng mì, mỗi năm cho thu nhập khoảng 25 -30 triệu đồng/ha, nhưng từ khi chuyển sang trồng mía cho thu nhập lên tới 40 – 45 triệu đồng/ha (sau khi trừ các khoản chi phí). Mặt khác, từ việc liên kết, người dân còn được tiếp cận với phương thức sản xuất mới và lối làm ăn tập thể, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích.
Điểm nổi bật trong việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh là, cùng với việc đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp chủ lực như cà phê, mía, các địa phương còn chú trọng đến các loại cây trồng đặc sản, sản phẩm đặc trưng. Điều này không chỉ giúp đa dạng hàng hóa nông sản của tỉnh mà còn góp phần giảm những rủi ro, thất thường của thị trường và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Để đẩy mạnh việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, tỉnh và các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp sạch; tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, những thành công trong việc xây dựng và phát triển liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua là tiền đề, động lực để ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng liên kết chuỗi nhằm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao.
Thiên Hương