Nông nghiệp công nghệ cao: Mở lối tư duy kinh tế nông nghiệp
Vẫn trên đồng đất đó, nhưng không khăng khăng giữ cách làm cũ, không ào ào chạy theo số lượng mà chủ động đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn cao; sản xuất gắn liền với tiêu thụ là điều mà người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tiếp cận, tổ chức thực hiện. Sự thay đổi về quan niệm và tư duy làm nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp bước đầu cho thấy lợi ích, hiệu quả thiết thực mang lại cho người nông dân và để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh hiện đại.
Bắt nhịp cách mạng “nông nghiệp 4.0”
Mô hình trồng chuối tiêu hồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở làng Plei Sa (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) là một điểm sáng về việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Trên diện tích 10ha đất được Nhà nước giao cho các hộ dân thiếu đất ở và sản xuất ở làng Plei Sa, trước đây mỗi năm người dân chỉ trồng 1 vụ lúa cạn hoặc 2 năm một vụ mì theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì giờ đã được thay bằng vườn chuối tiêu hồng xanh mướt. Vườn chuối được sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn bộ diện tích chuối của người dân được Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ-ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm hướng dẫn, giám sát về kỹ thuật và ký kết bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm là 3.500 đồng/kg.
|
Trưởng thôn Plei Sa- A Khoan cho biết: Lâu nay, người dân mình chỉ biết canh tác các loại mì, lúa theo kinh nghiệm, phương pháp thủ công, mỗi năm thu được từ 1 -2 triệu đồng. Ban đầu, khi chính quyền xã Ia Chim chủ trương vận động bà con chuyển sang trồng chuối cấy mô, sử dụng công nghệ tưới béc, áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, hầu hết người dân đều thấy lạ lẫm và tỏ ra ngần ngại. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, một số hộ đã mạnh dạn thử sức. Dần dần, người dân bảo ban nhau tham gia, thành lập Tổ hợp tác trồng chuối tiêu hồng. Hiện tại, Tổ hợp tác có 90 hộ đồng bào DTTS tham gia.
Chỉ ít ngày nữa, lứa chuối đầu tiên sẽ được thu hoạch. Theo tính toán của ông A Khoan, mỗi sào chuối có thể cho thu nhập 30- 40 triệu đồng, cao hơn rất rất nhiều so với cây lúa, cây mì. Đó là động lực để bà con thay đổi nhận thức trong sản xuất; mạnh dạn chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, liên kết xây dựng cánh đồng lớn và sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt để có đầu ra sản phẩm ổn định, giá thành cao. Qua đó, tìm được lời giải cho “bài toán làm giàu” từ nông nghiệp.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 7.919ha đất canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao.Trong đó, diện tích sản xuất rau, củ, hoa là 438 ha; diện tích cà phê là 6.776 ha; diện tích cây ăn quả khoảng 640 ha, diện tích các loại cây trồng khác là 65 ha. Các công nghệ được áp dụng trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh như nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ tưới tiết kiệm nước, tự động hóa trong bón phân, thủy canh, nhà màng thông minh; ứng dụng nano, bạt phủ trong giữ ẩm đất tròn sản xuất nông nghiệp... Diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao sẽ làm tăng suất và chất lượng cây trồng tăng thêm từ 10-20% so với sản xuất thông thường; và, hơn hết sản phẩm dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước. Đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, Kon Plông với tổng diện tích 170ha để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành và công nhận công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và Đăk Hà.
Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Ông Nguyễn Tấn Liêm- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tiếp tục chuyển đổi từ tư duy kinh tế nông nghiệp sang chuyển đổi mô hình tăng trưởng là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tại tỉnh ta, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nhằm từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là,chuyển đổi từ sản xuất theo truyền thống sang sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, giảm thiểu rủi ro, sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phát triển nền nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.
|
Việc triển khai hình thức sản xuất nông nghiệp với tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp như trên, sẽ từng bước khắc phục những điểm yếu của sản xuất nông nghiệp với lối sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” hoặc theo “trào lưu”, dẫn đến tình trạng khi nông sản hiếm thì giá tăng, khi thừa thì xuống giá, thậm chí không biết bán cho ai, nông dân “đánh cược” nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp.
Khách quan nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là việc không hề dễ dàng. Bởi, ngoài chi phí đầu tư lớn, người dân phải chú trọng học tập, tìm hiểu nắm bắt được kỹ thuật cao, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ ổn định về nguồn cung, chất lượng sản phẩm…Nhưng đây chính là “hướng mở” để nông dân làm giàu từ nông nghiệp và tất nhiên khi người dân đặt tâm huyết, quyết tâm thì sẽ mang lại thành công.
Thực tế đã chứng minh, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu dùng của các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn đảm bảo làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với mức giá ổn định. Ngược lại, một số sản phẩm như dưa hấu, bí đỏ nông dân làm theo kiểu tự phát, trào lưu khi thu hoạch rộ đã bị tắc đầu ra do thương lái không mua và phải “giải cứu”.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Liêm, dù đã có nhiều nông dân chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng ở tầm vĩ mô thì ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta mới chỉ ở bước ban đầu, manh nha. Đa số nông dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cách cũ. Do đó, để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thời gian này, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” và các điểm nghẽn “chi phí cao, chất lượng thấp”. Trước hết là, tuyên truyền vận động để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cách thực hiện của người nông dân.Phát huy vai trò trụ cột của các doanh nghiệp, vai trò hạt nhân của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Có thể nói, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã góp phần mở cho tư duy kinh tế nông nghiệp của nông dân. Đây chính là cuộc cách mạng trong nhận thức và phương thức sản xuất nông nghiệp, hướng đến mục tiêu cuối cùng là để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình./.
Bài và ảnh: Thùy Hương