Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Trong 5 năm qua (2015-2020), các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho nông dân về nguồn vốn, giống, phân bón, kỹ thuật... Qua đó, đã góp phần động viên, khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.
Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia. Bình quân hàng năm, trên địa bàn tỉnh có 48.768 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chính từ việc đăng ký phấn đấu, các hộ nông dân đã không ngừng nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, các hội thảo do các cấp hội phối hợp tổ chức, dành thời gian tìm hiểu, tham quan các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương.
Có thể thấy từ phong trào này trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nông dân với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu. Đặc biệt, có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư và thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã.
|
Hộ gia đình ông Trần Ngọc Thọ ở thôn 5, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua nhiều năm nỗ lực cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, đến nay, gia đình ông đã trồng được 1,5ha cao su, 3ha cà phê, nuôi bò, cá nước ngọt và sản xuất kinh doanh cà phê bột, đem lại nguồn thu nhập khoảng 640 triệu đồng/năm. Với những thành tích đó, ông đã được chọn tham dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến tỉnh giai đoạn 2015-2020 và được tặng bằng khen hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, xuất sắc.
Hay như 5 nông dân sản xuất giỏi ở thị trấn Đăk Tô, được Hội Nông dân thị trấn vận động, hướng dẫn đã cùng nhau thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau sạch tập trung tại khối 7 thị trấn Đăk Tô. Ông Phạm Quang Chiến, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Đến nay, Tổ hợp tác có 4ha đất sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động. Tổ hợp tác đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị đất canh tác, tăng thêm thu nhập cho các thành viên; góp phần nâng cao nhận thức cho người nông dân tích cực huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, giảm bớt tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 39.840 lượt hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (cấp tỉnh và Trung ương chiếm 7%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 69%).
Không chỉ làm giàu cho bản thân, điều đáng mừng là nhiều nông dân vượt qua khó khăn vươn lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã tiếp tục động viên, giúp đỡ các hội viên, nông dân khác vươn lên thoát nghèo bằng nhiều hình thức. Các cấp hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho 36.390 lượt lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho 2.972 lượt hộ nông dân, giúp 1.426 hộ nông dân thoát nghèo, giúp 140 hộ nghèo cải thiện điều kiện nhà ở; vận động 233 triệu đồng, 34.981 cây giống các loại, 3.705 kg lúa, bắp, 5.675 ngày công để giúp hộ nghèo.
Những kết quả đạt được trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững 5 năm qua góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.
Phúc Nguyên