Nông dân Ngọc Hồi giúp nhau giảm nghèo bền vững
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2020, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực lao động, sản xuất để vươn lên làm giàu, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Đinh Thế Hồi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi cho biết: Để phong trào phát huy hiệu quả, Hội luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân, đồng thời lồng ghép, tranh thủ nhiều nguồn lực để giúp đỡ hội viên trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hàng năm, Hội Nông dân huyện tổ chức ký giao ước thi đua, giao chỉ tiêu cho các tổ chức hội cơ sở để các hội viên đăng ký thực hiện; tăng cường giám sát, phân công các hộ sản xuất giỏi giúp đỡ các hộ khó khăn; thực hiện bình xét và khen thưởng kịp thời các hội viên xuất sắc để khích lệ, làm gương cho các hội viên khác.
Để phong trào phát huy hiệu quả trong thực tế, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức cho hội viên; khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mạnh dạn đầu tư cải tạo, mở rộng mô hình sản xuất hiệu quả.
Trong 5 năm qua (2016-2020), Hội Nông dân huyện tích cực vận động hội viên liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy thành lập mới 25 tổ, hội nghề nghiệp, 6 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã; mở 95 lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật cạo mủ cao su, chăm sóc cà phê, vận hành máy nông nghiệp, chăn nuôi cho 3.648 hội viên. Xây dựng nhiều mô hình điểm có hiệu quả như mô hình trồng rau an toàn, cánh đồng xanh, trồng giống lúa mới; tổ chức tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi, tư vấn kỹ thuật sử dụng giống, phân bón cho 3.381 hội viên; trợ giá, tín chấp 2.600 tấn phân bón và gần 1,4 triệu cây giống các loại cho các hội viên đầu tư sản xuất...
Nhằm đáp ứng nguồn lực, tạo điều kiện cho hội viên đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, mở rộng các mô hình, dịch vụ hiệu quả, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho 3.300 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 98,5 tỷ đồng.
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi chủ động phối hợp với các Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho 110 hội viên nghèo vay 4,7 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Các cấp Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi chú trọng phân công các hộ khá, giàu giúp đỡ hộ khó khăn; phân công mỗi chi hội giúp từ 1 – 2 hộ nghèo; vận động 600 triệu đồng từ hội viên cho 251 hộ nghèo vay vốn mua cây, con giống và đầu tư sản xuất; thành lập 12 nhóm đổi công; vận động gần 8.000 ngày công giúp đỡ hội viên khó khăn.
Bên cạnh sự hỗ trợ đa dạng, đa chiều của các cấp Hội Nông dân, nhiều hội viên cũng chủ động tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề, mô hình sản xuất hiệu quả.
|
Từ thực tiễn triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2016- 2020, trong tổng số 6.161 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua, đã có trên 4.300 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó có nhiều nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên khác và giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn về vốn, giống, vật tư... Tiêu biểu như ông Lò Văn Xuyến (thôn 4, thị trấn Plei Kần) thành công với mô hình vườn ao chuồng với gần 4ha, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và hàng chục lượt lao động thời vụ khác; ông Phạm Văn Vương (Tổ 6, thị trấn Plei Kần) với mô hình chăm sóc cà phê, cao su hiệu quả, thu lãi trên 300 triệu đồng/năm, hỗ trợ giống, kỹ thuật và tạo việc làm cho nhiều hội viên làm thời vụ; bà Khổng Thị Trang (thôn Lêk, xã Pờ Y) có 45ha cà phê, keo trồng xen cây ăn trái thu lãi 600 triệu đồng/năm, hỗ trợ giống và tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng; ông Nguyễn Văn Duy (thôn Măng Tôn, xã Pờ Y) thu lãi trên 900 triệu đồng/năm với việc kinh doanh tạp hóa và mô hình chăm sóc cà phê...
Ông Đinh Thế Hồi cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tăng sự phù hợp, hiệu quả với các hoạt động ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho nông dân, giúp nâng cao đời sống của hội viên, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh.
Hoàng Thanh