Nông dân hợp tác phát triển kinh tế
Hơn 6 năm qua, ở thôn Ngọc Tiền (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) có mô hình “Nông dân hợp tác, giúp nhau phát triển kinh tế” với 13 thành viên là nông dân trên địa bàn. Thông qua mô hình này, các hội viên nông dân đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phát triển cà phê, cao su xen canh cây ăn trái các loại.
Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Ngọc Tiền – Tô Ngọc Định cho biết, từ năm 2016 đến nay, hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, gần 90 hội viên trong Chi hội tích cực thi đua lao động sản xuất. Thôn còn thành lập mô hình “Nông dân hợp tác, giúp nhau làm kinh tế” với 13 thành viên, cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc các vườn cây ăn trái trồng xen trên diện tích trồng cây cà phê, cao su mang lại thu nhập khá ổn định cho các hộ nông dân.
Chúng tôi đến thăm vườn cây của anh Định, hiện trồng hơn 5ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh; 2 ha khác trồng cà phê xen canh sầu riêng, bơ bút được gần 4 năm thật xanh tốt. Anh Định chia sẻ: Gần 10 năm làm kinh tế, tôi chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu và tham quan nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả ở địa phương và các huyện khác trong tỉnh. Qua quá trình vừa cố gắng đầu tư, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất, hiện tại, 5ha cà phê thời kỳ kinh doanh dự kiến thu khoảng 4 tấn nhân/ha; 2ha trồng cây ăn quả (sầu riêng, bơ sáp) xen với cà phê đã có quả thu bán mùa qua. Từ các vườn cây, gia đình có thu nhập ổn định 500- 600 triệu đồng/năm.
|
Anh Nguyễn Xuân Cảnh - thành viên của mô hình cho hay, các hội viên tham gia mô hình đã được hưởng nhiều cái lợi như: Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chia sẻ không ít kinh nghiệm xử lý các loại cây ăn trái bị sâu bệnh, biết phương thức cắt, tỉa cành đúng thời điểm để cho hoa, đậu trái chất lượng… Trước mỗi mùa vụ, mọi người còn thường gặp nhau bàn bạc, chủ động lên kế hoạch đổi ngày công làm cỏ, chăm sóc, tỉa cành giữa các hộ gia đình tham gia mô hình.
Theo anh Tô Ngọc Định, đến nay, các loại cây trồng trên diện tích trồng xen của các hộ tham gia mô hình phát triển tốt; trong đó, bình quân, cây cà phê cho thu nhập chính khoảng 200-300 triệu đồng/năm/hộ; sầu riêng, bơ, mãng cầu xiêm, cam, quýt... cho thu nhập thêm 100- 200 triệu đồng/mùa vụ/hộ.
Chúng tôi đến thăm vườn cây của hội viên nông dân A Thọ là thành viên của mô hình. Hội viên này nói cười rộn rã: Các thành viên thường xuyên đổi công nên rất đông vui, luôn có 4-5 người cùng làm, mỗi người mỗi việc, từ dọn cỏ, cắt tỉa cành tạo tán cà phê, sầu riêng, thu hoạch bơ… Anh Thọ khẳng định, cách làm ăn hợp tác của nông dân ở thôn cho hiệu quả thật sự, qua đó mọi người vừa hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. 2 niên vụ qua, cây sầu riêng, cam đã thu bói, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, cộng năng suất cà phê đạt hơn 3 tấn nhân/ha, nên đời sống gia đình anh tương đối khá ở khu dân cư.
Cùng với sự tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các thành viên tham gia mô hình, trong vai trò Chi hội trưởng, anh Định còn phân công các hội viên có “tay nghề” cao, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất để giúp đỡ, hướng dẫn cho gần 180 lượt hội viên nông dân khác trong thôn về phương thức canh tác, chọn mua cây giống các loại có chất lượng để trồng, chăm sóc, bón phân đúng liều lượng, thời gian…
|
Từ lợi nhuận kinh tế thông qua mô hình, các thành viên tham gia đóng góp xây dựng Quỹ chung được trên 40 triệu đồng, để dành thăm ốm đau, chia sẻ hiếu hỉ của các thành viên; mặt khác cũng chia sẻ nguồn quỹ này giúp đỡ các nông dân khác ở thôn khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn về tiền mua phân bón, công cụ, vật dụng sản xuất nhỏ…
Trưởng thôn Ngọc Tiền – Chu Thị Xuân nhận xét: Các thành viên của mô hình rất nhiệt tình, cùng nhau thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; đã có 8/13 thành viên được công nhận nông dân sản xuất giỏi các cấp. Các anh em còn tham gia giúp 1.102 công lao động cho 30 lượt hội viên nông dân khác; hướng dẫn họ biết cách thức làm ăn, đầu tư kinh tế ngày càng tốt hơn, tiến tới tăng thu nhập đáng kể.
Ông Lương Văn Huân – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) thông tin, tháng 9 vừa qua, mô hình “Nông dân hợp tác, giúp nhau làm kinh tế” của thôn Ngọc Tiền được Hội Nông dân, UBND xã Đăk Xú đánh giá cao về hiệu quả hoạt động. Mô hình đang được Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương xem xét, thống nhất phát triển tiến đến thành lập “Tổ hợp tác Ngọc Tiền” vào cuối năm nay; nhằm có thêm tổ liên kết sản xuất ở cơ sở thu hút nhiều hội viên tham gia, chia sẻ phương cách làm ăn, có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất và tiến tới chọn sản phẩm trái cây đặc trưng, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, có đầu ra cho sản phẩm, cho thu nhập ổn định đối với người nông dân.
Mai Trâm