Nông dân giúp nông dân
Nói không cần sách, mách ra mô hình, thi đua giúp nhau làm kinh tế, hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động liên kết, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp nhau thi đua sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế.
Với nhiều hộ nông dân ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, từ lâu, nuôi cá trở thành nghề cho thu nhập chính. Tuy nhiên, trước đây, vì khó khăn về vốn, kỹ thuật nuôi trồng, người nông dân chủ yếu nuôi các loại cá: rô, chép, trắm… Năm 2019, nhận thấy việc nuôi cá chình mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ nông dân bắt đầu tìm tòi học hỏi, chuyển hướng phát triển.
Tổ liên kết nuôi cá chình ở thị trấn Đăk Hà gồm 10 thành viên được hình thành từ đó. Tham gia tổ liên kết, các thành viên cùng nhau góp vốn (mỗi người 10 triệu đồng) để hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên chung ý tưởng nuôi cá chình nhưng gặp khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Viết Triều – Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: “Số tiền góp được, vừa qua chúng tôi cho 2 hộ vay với lãi suất thấp phục vụ việc mua giống, thức ăn… để nuôi cá chình. Sau khi cho vay, các thành viên cũng hỗ trợ, chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi”.
|
Anh Nhữ Xị Hậu– tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Hà có 1 ha ao nuôi cá. Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác, anh chủ yếu nuôi cá lóc, cá trắm, cá diêu hồng. Gần đây, cùng với việc duy trì nuôi cá lóc, anh tìm hiểu và tham gia Tổ liên kết nuôi cá chình. “Cá chình và cá bống tượng là hai loại cá xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vừa rồi, mình bỏ 100 triệu đồng tiền vốn để nuôi cá bống tượng, cá chình. Nguồn vốn đầu tư lớn nên bản thân mình rất kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu, chăm sóc… Tham gia vào Tổ liên kết, mình học hỏi thêm kinh nghiệm từ các thành viên khác. Đến bây giờ, mình chưa xuất bán cá, nhưng với mức giá từ 420-430 ngàn đồng/kg cá chình, 400-450 ngàn đồng/kg cá bống tượng, hy vọng sẽ thu được nguồn lợi lớn”- anh Hậu chia sẻ.
Được biết, ngoài việc 1 năm 2 lần họp, các thành viên trong Tổ liên kết thường xuyên chia sẻ, tham quan mô hình, học hỏi và giúp nhau cùng phát triển. Cùng với đó, họ còn giúp nhau tìm đầu ra, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.
Với phương châm “Nông dân giúp đỡ nông dân”, gia đình ông Cao Đức Ấn và bà Phan Thị Hồng Nhung - hội viên Hội Nông dân xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người cùng thực hiện. Luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để phát triển các mô hình mới, ngoài việc phát triển các cây ăn trái trong trang trại, vừa qua, gia đình ông đã bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi ruồi lính đen để phục vụ việc nuôi cá, nuôi gà thả vườn. Đến bây giờ, thay vì phải vào tận Đồng Nai mua trứng ruồi như ban đầu, ông đã có thể ấp trứng, gây giống.
Mô hình của gia đình ông Ấn - bà Nhung bước đầu mang lại hiệu quả. Tiếng lành lan xa, nhiều hộ nông dân trong huyện tìm đến học hỏi kinh nghiệm, phát triển mô hình. Bà Nhung chia sẻ: Ngày trước tôi mua 1 lạng trứng ruồi với giá 3 triệu đồng, nhưng bây giờ tôi chỉ bán lại cho bà con với giá 1,5 triệu đồng/lạng. Trong quá trình người dân mua trứng, tôi hướng dẫn họ cách làm chuồng trại, kinh nghiệm chăm sóc, ấp trứng… để đạt hiệu quả. Biết đến đâu, tôi sẵn sàng chỉ đến đấy, chỉ mong bà con cùng làm, cùng phát triển những mô hình hay, có thêm cơ hội phát triển kinh tế.
Cũng như các hội viên hội nông dân tại huyện Đăk Hà, hội viên Hội Nông dân xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cũng giúp nhau vươn lên trong sản xuất. Chị Kon Bloong Xoan – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Tụ cho biết, vì đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn nên bà con chủ yếu giúp nhau về ngày công lao động. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, ai biết kinh nghiệm gì, đều sẵn sàng chia sẻ để cùng làm.
Trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, mì. Cuối năm 2017, thực hiện chủ trương của huyện, UBND xã Ngọc Tụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân thành lập Hợp tác xã nông nghiệp xã Ngọc Tụ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mía với Công ty cổ phần Đường Kon Tum. “Vì chưa bao giờ trồng cây mía nên thời gian đầu bà con băn khoăn lắm. Chúng tôi tuyên truyền, rồi người này vận động người kia, 39 thành viên của thôn Đăk No bắt tay vào trồng hơn 10 ha mía. Đến bây giờ, diện tích trồng mía cơ bản được đảm bảo. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc được hỗ trợ, đầu tư, bà con cũng chia sẻ nhau về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả” – ông Lê Văn Bắc, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ.
|
Là một trong những hộ dân tham gia vào Hợp tác xã, ông Hoàng Văn Bách vui mừng cho biết, với diện tích 5,7 sào mía, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu được hơn 20 triệu đồng, tăng gấp đôi so với làm mì, làm lúa. Ngoài việc tăng thu nhập, ông cũng rất phấn khởi khi các hộ dân trong hợp tác xã xem nhau như anh em một nhà, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn. “Mới bắt tay vào trồng mía nên chúng tôi còn loay hoay trong việc tìm nhân công chặt mía khi vào vụ. Năm vừa rồi, sau khi hiểu được cách làm, thay vì kêu công bên ngoài, chúng tôi tự vần công đổi công để chặt mía. Người này biết việc hướng dẫn người kia, cứ vậy, việc đổi công giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí cũng như thắt chặt tinh thần đoàn kết”- ông Bách chia sẻ.
Với phương châm “Nông dân học nông dân”, “Nông dân chia sẻ nông dân”, trong 6 tháng cuối năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh phối hợp mở 26 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 300 cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Đồng thời, các cấp Hội Nông dân còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện Ngọc Hồi và Đăk Hà tổ chức cho 162 hội viên nông dân đi học tập một số mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, qua đó trao đổi kinh nghiệm, áp dụng và làm theo.
Giúp nhau làm kinh tế, đến nay, Hội Nông dân các cấp trên trên địa bàn tỉnh duy trì 429 mô hình kinh tế, góp phần tăng thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho 4.076 lao động.
Có thể khẳng định, thi đua giúp nhau làm kinh tế, hội viên Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng được nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.
Hoài Tiến