Nông dân “gặp khó” vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao
Hơn 1 năm qua, nhất là từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, người nông dân loay hoay trong cơn “bão giá”.
|
Thời gian qua, giá các loại phân bón liên tục “nhảy múa”, trong đó, mức tăng cao nhất là các loại phân thường được sử dụng nhiều như NPK, Urê... Hiện giá NPK rơi vào khoảng 1 triệu đồng/bao, Urê và Kali có giá trên 950 nghìn đồng/bao (loại 50kg), tăng từ 2- 2,5 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Không chỉ phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50- 80% so với mùa trước. Đây là những mặt hàng “đầu vào” mang tính thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp; việc tăng giá vật tư nông nghiệp làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân.
Ông Phạm Xuân Bé - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (huyện Đăk Hà) chia sẻ: Giá phân bón tăng quá cao khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người buộc phải giảm lượng phân bón nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, các mặt hàng xăng dầu dùng để bơm tưới, thuốc trừ sâu, diệt cỏ cũng tăng đáng kể khiến mức đầu tư cho mỗi héc ta cà phê tăng thêm từ 15- 20 triệu đồng, đó là phải tiết kiệm hết mức có thể. Trong khi, giá bán sản phẩm cà phê lại không tăng, khiến lợi nhuận thu về giảm nhiều và điều này đã tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Với một người làm lúa như bà Hồ Thị Minh (Tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum), cũng không khỏi trăn trở khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng.
Bà Minh nêu lên nỗi băn khoăn: Chưa bao giờ tôi thấy giá phân lại tăng cao như thời gian này, nếu như trước đây, giá đạm chỉ khoảng 8.000 đồng/kg thì nay lên gần 20.000 đồng/kg. Nông dân gắn bó với ruộng đồng, chủ yếu lấy công làm lời mà giá phân bón cao như thế thì chúng tôi không còn lời. Đợt này, thu hoạch xong là bắt tay vào làm vụ mới, nếu giá phân bón còn tăng nữa, tôi cũng chưa biết phải tính sao.
Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp. Nhất là thời điểm này, tỉnh ta bắt đầu bước vào mùa xuống giống gieo trồng và chăm sóc các loại cây trồng, nhu cầu phân bón tăng cao nên việc giá cả tăng cao đang thật sự “làm khó” người nông dân.
Không chỉ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, mà từ đầu năm 2021 đến nay, các loại thức ăn chăn nuôi cũng thi nhau “đội giá”, với hơn 10 lần được điều chỉnh tăng. Hiện, giá cám công nghiệp dành cho gia súc, gia cầm đã tăng khoảng 4.000 đồng/kg, tương đương mức tăng khoảng 100.000 đồng/bao (loại 25kg) so với hồi đầu năm 2021. Giá cám nuôi cá lồng bè cũng tăng phi mã từ mức 290.000 – 320.000 đồng/bao lên mức 400.000 - 450.000/bao (loại 25kg). Trong khi đó, giá bán các sản phẩm thịt chăn nuôi và cá thương phẩm không có xu hướng tăng khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng, thậm chí đối mặt với thua lỗ và gây ảnh hưởng tới việc phát triển đàn vật nuôi của các địa phương.
Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón và nhiều vật tư nông nghiệp khác trong nước tăng cao là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn, giá xăng dầu tăng làm gia tăng cước vận chuyển, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và ở trong nước.
|
Vật tư nông nghiệp “sốt giá” kéo theo những hệ lụy trên thị trường là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng sẽ gia tăng. Vì vậy, nhằm đảm bảo ổn định thị trường, chất lượng vật tư nông nghiệp và giảm bớt nỗi lo cho nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Khoa học- Công nghệ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán có dấu hiệu đầu cơ, nâng giá bất hợp lý, bán vật tư giả, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện các giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững đối với cây trồng, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trồng cỏ trong các vườn cây lâu năm để giữ độ tơi xốp và giữ ẩm cho đất, sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, có liên kết, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tuần hoàn nhằm đảm bảo môi trường và phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo nguồn sản phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng hiệu quả và thu nhập, giúp các hộ duy trì sản xuất.
Có thể nói, những mặt hàng đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng giá đã khiến người nông dân vốn khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua, giờ lại gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, thì đây cũng là “cơ hội” để nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, giảm bớt phân bón hóa học, thức ăn công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ để tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng thu nhập.
Thiên Hương