Nỗ lực vì “thương hiệu” sản phẩm OCOP của huyện Kon Rẫy
Khởi động có phần muộn hơn một số địa phương trong tỉnh, song đến nay, huyện Kon Rẫy đã có 5 sản phẩm OCOP được chứng nhận “3 sao” cấp tỉnh. Gắn với trọng tâm xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang được tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 “ít nhất mỗi xã được công nhận một sản phẩm OCOP” theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện đề ra.
|
Sau thời gian dài ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nỗ lực nối lại các hoạt động văn hóa - du lịch gắn với giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP mang lại niềm vui cho chị Ngô Thị Ly - chủ cơ sở sản xuất chuối sấy giòn Bà Già Đeo (thôn 4, xã Đăk Tơ Lung). Tự mày mò, học hỏi để cho ra đời sản phẩm đặc trưng từ quả chuối nguyên liệu ở vùng đồng bào DTTS là quyết định táo bạo của chị và chính Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho chị Ly sớm hoàn thành mục tiêu đã lựa chọn. Là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Kon Rẫy được công nhận là sản phẩm “3 sao” cấp tỉnh, chị Ly rất tự hào, song cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc duy trì sản xuất, giữ vững “thương hiệu” OCOP. Hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, gia đình chị vẫn duy trì sản xuất theo đơn đặt hàng từ các “mối” quen, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ, siêu thị, bán hàng online… trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn.
Gần hai năm kể từ ngày thu hoạch lứa dưa lưới đầu tiên, nông trại Brosfarm (tại địa bàn thôn 10, xã ĐăkTờ Re) không những ổn định hoạt động, mà còn có bước phát triển vững chắc. Lần đầu tiên đưa giống cây trồng mới, đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn và ứng dụng công nghệ cao vào vùng đất đồi vốn còn xa lạ, Nguyễn Thị Hồng Cúc và các bạn trẻ trong nhóm đã dồn toàn bộ vốn liếng, công sức, nhiệt huyết vào đây. Niềm đam mê cháy bỏng và quyết tâm cao của họ đã đem lại kết quả như mong đợi. Là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã được công nhận đạt “3 sao” cấp tỉnh, dưa lưới Brosfarm tự hào không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, mà ngày càng vươn xa đến thị trường trong nước, nhờ coi trọng chất lượng sản phẩm theo quy trình sản xuất hữu cơ.
Mặc dù, gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, triển khai nội dung “ Mỗi xã một sản phẩm” nói riêng, nhưng nhờ xác định đúng trọng tâm tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS địa phương, huyện Kon Rẫy đã từng bước đưa OCOP vào quỹ đạo vận hành.
Tiếp bước sản phẩm chuối sấy Bà Già Đeo được công nhận trong đợt 2 năm 2020, trong đợt 1 năm 2021, huyện có 4 sản phẩm vào danh sách các sản phẩm "3 sao" cấp tỉnh. Theo Quyết định số 949 (ngày 18/10/2021) của UBND tỉnh, cùng với dưa lưới Brosfarm, còn có sản phẩm măng chua ớt cay của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp ở thôn 2, xã Đăk PNe, rượu cần Y Thơi (thôn 7, xã Đăk Tơ Lung), nước uống đóng chai EPic Water của Công ty TNHH Kế Duy Kon Tum (thôn 13, xã Đăk Ruồng).
Theo ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XIX, song song với mục tiêu “Mỗi xã có một HTX liên kết theo chuỗi giá trị”, thì phấn đấu đến năm 2025, “Ít nhất mỗi xã được công nhận một sản phẩm OCOP” chính là trọng tâm được chính quyền các cấp chỉ đạo tập trung thực hiện. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương và lộ trình cụ thể được xác định mà từng sản phẩm được tập trung nguồn lực để hoàn thành. Trong đó, trước mắt, có thể kể đến các sản phẩm OCOP “tiềm năng” như mắc ca Nhật Long (xã Đăk Ruồng), gạo Tân Lập (thôn 3, xã Tân Lập), rượu cần ông già Rênh (thôn 3, xã Đăk Tờ Re), chuối ép dẻo Vinh Sơn (thôn 8, xã Đăk Tờ Re), măng khô Đăk Kôi (thôn 8, xã Đăk Kôi), gà đồi Kon Braih (thôn 9 , xã Đăk Ruồng), heo làng Y Nhàn (thôn 5, thị trấn Đăk Rve), gừng tươi Kon Braih (thôn 13, xã Đăk Ruồng), hạt tiêu Sơn Ka (thôn 2, thị trấn Đăk Rve)...
“Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP của huyện đã và đang đi đúng hướng trên cơ sở khai thác thế mạnh trong sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tập trung vào các sản phẩm truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thủy khẳng định.
Thanh Như