Những người trồng rừng trên đồi Sạc Ly
Đi dưới tán rừng thông xanh ngắt, những người trồng rừng trên đồi Sạc Ly nhớ lại những ký ức gian khó một thời đi trồng rừng ở mảnh đất lắm bom, mìn này. Nhưng với họ đó cũng chính là niềm vui, niềm tự hào vì đã góp sức mình dần dần phủ xanh đồi Sạc Ly, vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa.
|
Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng thông trên đồi Sạc Ly, ông Nguyễn Đình Phượng, nhân viên Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi, thuộc Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam xúc động khi kể về những tháng ngày gian khó mà ông và những đồng nghiệp phải trải qua để có được những cánh rừng thông xanh ngút ngàn như hôm nay.
|
Ông Phượng nhớ lại, năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trung cấp ngành Lâm sinh, ông rời quê hương Nghệ An vào làm việc tại Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi. Lúc đó, ông và các đồng nghiệp được phân công lên trồng rừng ở khu vực đồi Sạc Ly, nằm ở địa phận xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Đường đi lại rất khó khăn, hầu như là đi bộ, từ chân đồi đi lên tới đến đỉnh đồi phải mất 4 - 5 giờ. Đồi Sạc Ly khi ấy đầy cỏ tranh, cây le, những người công nhân trồng rừng phải phát dọn thực bì mất mấy tháng. Còn cây giống thì phải vận chuyển bằng ngựa và thuê bà con ở đây gùi lên để trồng. Để có nước nấu cơm và uống thì anh em phải dùng can đựng nước vận chuyển từ chân đồi lên bởi trên này không có nước.
Những khó khăn, gian khổ đó thì chúng tôi đều vượt qua được, nhưng nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi lúc đó là lượng bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh ở khu vực đồi Sạc Ly này. Nhiều đồng nghiệp chúng tôi khi đi trồng rừng không may giẫm phải bom, mìn và mãi mãi nằm lại nơi này. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ việc để trở về quê hương, nhưng nhiều đêm trằn trọc, tôi nghĩ rằng khó khăn của mình không là gì so với thế hệ cha, anh đã hy sinh khi chiến đấu với quân địch trên đồi Sạc Ly này và tại sao mình lại bỏ cái nghề Lâm sinh mà mình đã chọn. Vì vậy, tôi đã quyết định không về quê và gắn bó với mảnh đất, cánh rừng này đến nay đã 21 năm rồi - ông Nguyễn Đình Phượng chia sẻ.
Vượt qua những tháng ngày gian khó, các công nhân của Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi đã trồng được 1.472ha rừng tại khu vực đồi Sạc Ly. Trong đó, có 1.200ha thông và còn lại là keo, bạch đàn. Kế hoạch của Ban sẽ trồng khoảng 120ha trong năm 2022 này. Những đóng góp của anh em đã góp phần cùng với các đơn vị trồng rừng khác trong tỉnh dần dần phủ xanh khu vực đồi Sạc Ly - ông Thái Khắc Kiên, Trưởng Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi cho biết.
Trồng rừng đã vất vả, nhưng bảo vệ rừng được như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ. Với đặc thù đồi Sạc Ly thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, không có nước và nhiều cỏ tranh nên việc cháy rừng rất dễ xảy ra.
Nhiều hôm chúng tôi đang ăn cơm nhưng thấy có cháy rừng là phải bỏ luôn chén cơm để đi chữa cháy. Dụng cụ chữa cháy thì cũng thô sơ thôi, chúng tôi dùng lá cây để dập lửa. Nhưng sợ nhất là bom, mìn còn sót lại khi gặp lửa thì phát nổ. Cũng may là mấy lần sau khi tôi dập lửa xong về rồi thì mới nghe bom, mìn nổ chứ không thì tôi không còn ngồi đây để nói chuyện với nhà báo - ông Hoàng Văn Toàn, nhân viên Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi chia sẻ.
Đã 21 năm kể từ khi trồng, những rừng thông đã phủ xanh cả một vạt đồi Sạc Ly, vùng đất lắm bom, mìn năm xưa giờ đây như được hồi sinh. Ông Hoàng Văn Toàn cho biết: Chúng tôi vui mừng và tự hào lắm. Vì mình đã góp phần phủ xanh vùng đất chết năm xưa. Chúng tôi sẽ luôn gắn bó với nơi này để tiếp tục trồng rừng, phủ xanh những diện tích đất trống còn lại.
Khánh Ngân