Nhìn lại 3 năm hỗ trợ khởi nghiệp
Nếu lấy năm 2017 là mốc đánh dấu cho sự quan tâm của tỉnh đối với chương trình khởi nghiệp của thanh niên, doanh nghiệp trên địa bàn (theo Thông báo số 65/TB-UBND ngày 11/04/2017 về tổ chức tiếp nhận, xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp) thì đến nay Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đã thực hiện hơn 3 năm.
Thiếu vốn, kiến thức và kinh nghiệm vẫn luôn là những khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp. Vì vậy, để góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, từ năm 2017 đến năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức được 4 lớp đào tạo về khởi nghiệp cho 690 học viên (năm 2017 đào tạo 300 học viên; năm 2018 đào tạo 170 học viên; năm 2019 đào tạo 220 học viên) là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp của các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố trực thuộc UBND tỉnh; đoàn viên, thanh niên thuộc Tỉnh đoàn; cán bộ, công chức, viên chức thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và đại diện các hợp tác xã…
Tại các khóa tập huấn này, các chuyên gia, các doanh nghiệp, những người quan tâm đến khởi nghiệp khá cởi mở trong việc chia sẻ những ước mơ, những kỳ vọng của họ đối với người khởi nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp thành đạt đã chia sẻ mọi kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp và cả những khó khăn, trở ngại có thể xảy ra đối với doanh nghiệp trong bước đầu gây dựng cho những người trẻ, những người mới bắt tay vào khởi nghiệp một cách cởi mở, thoải mái và chân tình. Họ động viên những người trẻ khi gặp khó khăn biết cách vượt qua chướng ngại, biết cách đứng lên…
Từ sự ươm mầm của các khóa tập huấn, đến nay, toàn tỉnh có đến 844 đề án, ý tưởng khởi nghiệp, Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tổ chức xét duyệt 59 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham dự, trong đó 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đã được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp. Trong số này có 19 dự án đang triển khai và các dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục về đất, cơ sở hạ tầng…
|
Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng hỗ trợ và giải ngân cho 15 dự án với dư nợ 1 tỷ 336,8 triệu đồng: Dự án ChoapChoap - Snack nấm đầu tiên tại Việt Nam; Nông trại hữu cơ Nico Nico Yasai Măng Đen; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào bảo tồn và phát triển lan rừng gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Khởi nghiệp cùng mô hình kinh tế trang trại khép kín theo hướng hữu cơ sinh học; Mô hình kinh doanh café English; Nông trại hữu cơ rau thủy canh và không gian xanh Kon Tum; Nuôi Gà Đồi bằng dược liệu; Kora Kora - Nhà sản xuất thực phẩm từ dược liệu; Chế biến dược liệu rừng, trồng đẳng sâm công nghệ cao và sản xuất chế phẩm công nghiệp từ đẳng sâm; Măng Đen Farmstay, phương thức thu hút nguồn nhân lực trẻ phát triển nông nghiệp và du lịch tại Măng Đen; Sản xuất và nuôi trồng tổng hợp; Nuôi thủy sản nước ngọt; Trang trại nuôi dúi thương phẩm Kon Tum; Nuôi heo bản địa (heo làng) và Cửa hàng rau sạch Kon Tum.
Hầu hết, các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh tư vấn về dự án và trao Giấy chứng nhận khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho tác giả/nhóm tác giả tiếp cận vay vốn, hồ sơ thủ tục thuê đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, đào tạo về khởi nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký sản phẩm hợp quy, kiểu dáng, sáng chế, bản quyền, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp xây dựng Đề án khởi nghiệp cho giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vai trò của các cơ quan quản lý, yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn quan tâm đến công tác khởi nghiệp, chú ý hỗ trợ các vườn ươm, các khóa khởi nghiệp do tư nhân lập ra về mặt cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí vận hành…Huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Dương Lê