Ngọc Hồi thực hiện hiệu quả vốn tín dụng chính sách
Những năm qua, huyện Ngọc Hồi đặc biệt quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện cho vay vốn ủy thác từ vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp người dân thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, từng bước thoát nghèo bền vững.
Bà Y Lan- Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: UBND huyện Ngọc Hồi thường xuyên thực hiện việc chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thông qua Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (NHCSXH). Thời gian qua, Ban đại diện huyện luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, UBND cấp xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách. Theo đó, phát huy vai trò thành viên của Ban chỉ đạo cấp xã để thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng, ủy thác cho vay tại địa phương; tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế để lồng ghép vào các chương trình tín dụng nhằm giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Chỉ tính riêng trong năm 2020, vốn tín dụng chính sách xã hội của huyện Ngọc Hồi triển khai đến với 375 lượt hộ nghèo với số tiền trên 17,3 tỷ đồng và 2.556 lượt đối tượng chính sách khác với số tiền trên 76,2 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 133 lượt lao động, 3 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 17 HSSV vay vốn để trang trải chi phí học tập, 116 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất, 313 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, xây dựng 1.336 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Hội LHPN xã Đăk Xú là một trong những tổ chức chính trị- xã hội ở địa phương cơ sở làm tốt công tác quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác cho vay, qua đó giúp hàng trăm hội viên phụ nữ có điều kiện để đầu tư sản xuất, làm kinh tế để thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại địa phương.
Chị Lương Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Xú cho biết: Hiện nay, Hội LHPN xã Đăk Xú đang quản lý 13 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền vay trên 26,5 tỷ đồng, cho 571 hội viên phụ nữ vay để phát triển kinh tế.
Các thành viên tổ vay vốn tham gia tiết kiệm được 665 triệu đồng, thành lập quỹ tự giúp nhau được trên 150 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, các hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Đăk Xú đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, làm ăn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn xã từ 4,8% (năm 2016) xuống còn 2,5% (năm 2020).
|
Đến nay, tổng dư nợ cho vay thuộc 15 chương trình tín dụng chính sách toàn huyện Ngọc Hồi đạt trên 387 tỷ đồng với 8.104 hộ vay còn dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 386,6 tỷ đồng (chiếm 99,88% tổng dư nợ) với 30 hội đoàn thể ủy thác cho vay và 187 tổ tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,31%/tổng dư nợ, nợ khoanh chiếm 0,02%/tổng dư nợ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 4,96% (năm 2019) xuống còn 4,05% ( năm 2020).
Cùng với nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi của Trung ương, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi triển khai hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để giúp các hộ gia đình có thêm cơ hội vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện Ngọc Hồi (tính từ 2016 đến 2020) là hơn 4,1 tỷ đồng với 86 khách hàng vay vốn. Trong quá trình triển khai, nguồn vốn ủy thác của huyện đã thật sự phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 86 lao động để trồng 48ha cà phê, 102 ha cao su, 45ha bời lời, 2ha hồ tiêu và nuôi 4 con bò sinh sản, 30 hộ vay đi khám chữa bệnh, 1 hộ sửa chữa nhà ở.
Ông Nông Văn Hùng- Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hồi cho biết: Thời gian tới, Phòng tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động tín dụng, ủy thác cho vay để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách. Qua đó, giúp người dân những vùng khó khăn, đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo hiệu quả; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, qua đó thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Hồng Nguyên