Ngọc Hồi: Thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP
Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng những sản phẩm đặc trưng, truyền thống tại địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần từng bước giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Cường- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết: Thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018- 2020, huyện Ngọc Hồi tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2018- 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra nhiệm vụ, lộ trình phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn một cách cụ thể, khoa học. Trên cơ sở đó, UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực triển khai hỗ trợ tập huấn, khảo sát, đánh giá các sản phẩm đặc thù, đặc trưng có giá trị kinh tế và bản sắc của từng vùng để có hướng phát triển thành sản phẩm OCOP; hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể, cá nhân, hộ gia đình có sản phẩm tham gia OCOP xây dựng và hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các chủ thể đã ý thức hơn trong việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, qua đó tăng thu nhập các chủ thể, cá nhân, hộ gia đình. Nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chất lượng tốt, được phân phối tạo “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm và quảng bá rộng rãi, từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, huyện Ngọc Hồi có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2020, tiêu biểu như Cà phê bột và cà phê nguyên hạt Ngọc Nguyên, thịt heo gác bếp, rượu cần men lá, rượu vắt nếp than.
Xã Đăk Nông là một trong những địa phương đang tích cực triển khai chương trình OCOP trên địa bàn. Địa phương này đang phát triển 2 sản phẩm OCOP là thịt bò cỏ gác bếp và cải khô lên men, là những sản phẩm tiềm năng được huyện Ngọc Hồi chọn để tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Viết Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho biết: “Đầu năm 2021, xã Đăk Nông đăng ký phát triển 2 sản phẩm là thịt bò cỏ gác bếp và cải khô lên men. Tuy được triển khai trong một thời gian ngắn từ đầu năm 2021, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, các ban ngành và sự hưởng ứng, đồng tình của các chủ thể tham sản xuất, việc phát triển sản phẩm OCOP đã mang lại hiệu quả thiết thực, sản phẩm làm ra được đánh giá có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, địa phương tiếp tục xúc tiến thương mại, hỗ trợ các sản phẩm hoàn thiện nhãn mác, bao bì, quảng bá sản phẩm.
Chị Y Tun (43 tuổi) – Tổ trưởng Tổ hợp tác làm cải khô lên men tại xã Đăk Nông bộc bạch: “Trước đây sản phẩm cải khô lên men chủ yếu chỉ được dùng để ăn trong gia đình. Từ khi được địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, chúng tôi đã thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi được hướng dẫn quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh, đầu tư bao bì, nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện, sản phẩm của chúng tôi có giá bán ổn định hơn, trung bình 300.000 đồng/kg, nhiều người biết đến sản phẩm và đặt mua, thu nhập của các thành viên trong tổ hợp tác được cải thiện đáng kể”.
|
Từ những kết quả đạt được ban đầu trong quá trình triển khai Chương trình OCOP tại địa phương trước đây, năm 2021, huyện Ngọc Hồi lựa chọn thêm 6 sản phẩm đặc trưng gồm mắc ca (xã Pờ Y), thịt bò cỏ gác bếp, cải khô (xã Đăk Nông), thịt heo làng muối sả chanh (xã Đăk Ang), yến sào Hương Sơn, mít Thái hữu cơ (thị trấn Plei Kần) để xây dựng hoàn thiện sản phẩm, tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh năm 2021. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đang tiến hành đánh giá phân hạng 18 sản phẩm OCOP cấp huyện khác. Với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn và sự chủ động của các chủ thể tham gia sản xuất, các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện từng bước nâng cao chất lượng, giá trị theo thời gian.
Để đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, thời gian tới, huyện Ngọc Hồi tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia OCOP trên địa bàn tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường; từng bước nâng cao những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, xây dựng sản phẩm trở thành thương hiệu có uy tín chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Hoàng Thanh