Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy - 10 năm nhìn lại
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy khóa XIV về “xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực” đã từng bước góp phần vào chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo số 142-BC/TU, ngày 08/11/2021 của Tỉnh ủy tổng kết thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy khóa XIV về “xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực” đánh giá, Nghị quyết 03 là một trong những chủ trương lớn, tác động đến các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất của địa phương; tạo được sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành. Nhiều chính sách đã được xây dựng và tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi theo hướng đa dạng, năng suất, hiệu quả; một số giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất như sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác, cây ăn quả các loại…. Giá trị sản phẩm của ngành nông, lâm nghiệp (bao gồm thủy sản) có bước phát triển khá, năm 2020 đạt 5.850 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2011 và chiếm 22,63% cơ cấu kinh tế.
Tỉnh đã xác định 4 ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và 9 sản phẩm chủ lực, gồm: Nhóm ngành nông - lâm nghiệp; Nhóm ngành công nghiệp chế biến; Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; Ngành du lịch. Các sản phẩm chủ lực, gồm: Mì và các sản phẩm chế biến từ mì; sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; điện; du lịch sinh thái Măng Đen.
|
Đến nay, toàn tỉnh có 88 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (82 sản phẩm 3 sao, 6 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao) của 56 chủ thể sản xuất, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, sản phẩm chế biến từ sản phẩm nông nghiệp, dược liệu.
Quá trình xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có 2 sản phẩm vượt mục tiêu là cà phê vượt 40% diện tích (25.211/18.000 ha) và 30,4% sản lượng (52.172/40.000 tấn); điện sản xuất gấp 1,62 lần. 3 sản phẩm đạt ở mức khá gồm: cao su đạt 85% diện tích và 93% sản lượng; sâm Ngọc Linh đạt 90,7% và gấp 1,42 lần về sản lượng; dược liệu đạt 90,1% diện tích.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì năng suất của 3 loại cây chủ lực mì, cà phê, cao su chậm cải thiện, kém bền vững. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng khoa học trong sản phẩm còn thấp và chưa tham gia sâu vào mạng lưới các chuỗi sản xuất và giá trị; kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án lớn tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Việc phát triển nhóm 9 sản phẩm chủ lực gặp nhiều khó khăn, sản phẩm chủ lực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tiếp tục khai thác những lợi thế về phát triển các ngành kinh tế và sản phẩm chủ yếu của địa phương trong thời gian tới, Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn nhằm sớm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, cấp nước, thủy lợi...) để kết nối và phục vụ trực tiếp cho các vùng sản xuất nông nghiệp, các khu sản xuất, làng nghề, tuyến điểm du lịch; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, nhất là quy hoạch nông, lâm nghiệp.
Xác định ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với công nghệ tiên tiến.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi; hình thành và mở rộng một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hướng đến các chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thuận tự nhiên.
Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Quốc Tuấn