Nghề nuôi cá ở Đăk Hà
Huyện Đăk Hà có diện tích hồ thủy điện, hồ thủy lợi lớn cùng với nhiều diện tích đất ruộng có khả năng cải tạo thành ao nuôi trồng thủy sản. Khai thác tiềm năng và lợi thế về diện tích mặt nước, những năm gần đây, Đăk Hà đẩy mạnh phát triển nuôi cá, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, cải thiện thu nhập cho người dân.
Anh Phạm Văn Luấn ở thôn 1, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) là một trong những người gắn bó với nghề nuôi cá khá lâu ở địa phương này. Ban đầu, anh thử nuôi cá với quy mô nhỏ, rồi dần dần với kinh nghiệm, vốn liếng tích lũy được, anh Luấn mạnh dạn đấu thầu 4 hồ thủy lợi trên địa bàn xã Đăk Ngọk và Đăk Mar đầu tư nuôi cá lồng thương phẩm quy mô lớn.
Anh Luấn cho biết: Trước đây, tôi chỉ nuôi thả theo phương thức truyền thống, chủ yếu dựa vào tự nhiên. Nhưng mấy năm nay, tôi đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng bè. Hiện tại tôi có trên 120 lồng nuôi (cả lồng đơn và lồng đôi) mỗi năm thả nuôi 2 lứa, chủ yếu là cá diêu hồng, rô phi, cá lóc, thêm một số ít cá trê. Tổng sản lượng cá thu hoạch bình quân khoảng 400 tấn/năm. Ngoài bán cho thương lái trên địa bàn tỉnh thì tôi còn xuất bán cá cho một số thương lái ở Gia Lai, Đà Nẵng và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu cá đông lạnh tại Nha Trang (Khánh Hòa) nên đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định. Những năm trước, lưu thông hàng hóa thuận lợi, giá bán cao nên lợi nhuận từ nghề nuôi cá mang lại cho gia đình tương đối khá; năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lợi nhuận thu về tuy có phần giảm sút hơn, song tôi nhận thấy đây vẫn là công việc cho thu nhập ổn.
Mấy năm trở lại đây, phong trào nuôi cá trên địa bàn huyện Đăk Hà phát triển khá mạnh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện hiện tại khoảng 146ha. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác bình quân ước đạt 4.000 tấn/năm; trong đó, sản lượng cá nuôi đạt khoảng 3.200 tấn. Hiện có khoảng 500 hộ dân trên địa bàn tham gia nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi cá, tập trung tại một số địa phương như thị trấn Đăk Hà, xã Đăk La, Đăk Ngọk, Hà Mòn, Đăk Mar…
|
Các loại cá được người dân nuôi nhiều là diêu hồng, rô phi, rô đồng, cá lóc… Gần đây, một số hộ gia đình còn mạnh dạn đầu tư nuôi cá đặc sản như cá chình, cá bống tượng...
Điển hình là 2 anh em ông Nguyễn Đình Toan và Nguyễn Đình Toản ở Tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà đã mạnh dạn chuyển hơn 2ha ao nuôi cá thông thường sang nuôi cá chình và bống tượng.
Ông Nguyễn Đình Toản chia sẻ: Tôi nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ các loại cá đặc sản ngày càng cao, trong khi đó, tôi nắm rõ kiến thức, kỹ thuật nuôi các loại cá này thì tại sao lại không mạnh dạn đầu tư nuôi? Do đó, từ năm 2018, gia đình tôi quyết định đầu tư xây lại ao, gia cố bờ thành, rồi vào miền Tây mua giống cá chình và cá bống về nuôi. Đầu năm 2021, tôi thu hoạch lứa cá đầu tiên được hơn 500 triệu đồng. Sau khi tính toán trừ các khoản chi phí tôi vẫn lời được một khoản kha khá, điều đó càng giúp gia đình tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề này.
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, bền vững phục vụ nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Đăk Hà tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra các khu vực nuôi, tích cực theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân nhằm thúc đẩy nghề nuôi cá trên địa bàn phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, nghề nuôi cá ở địa phương này còn một số khó khăn, hạn chế, như một số mô hình nuôi với quy mô nhỏ; chất lượng sản phẩm chưa cao; đầu ra sản phẩm đôi lúc còn bấp bênh do vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa có nhiều đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm…
Phát triển nghề nuôi cá là hướng đi phù hợp của nông dân Đăk Hà, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, giúp tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, UBND huyện Đăk Hà cần tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ những “nút thắt” nhằm thúc đẩy cho nghề nuôi cá phát triển sẽ là hướng đi cần thiết trong phát triển kinh tế nông nghiệp và đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Thùy Hương