Ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới
Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và lâu dài, ngành NN&PTNT tỉnh đã đề ra một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thích ứng với tình hình mới.
Là tỉnh ít bị chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 nên việc sản xuất của ngành nông nghiệp Kon Tum không bị ảnh hưởng nhiều nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Ví dụ như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Sáu Nhung, huyện Đăk Hà, tại thời điểm dịch bệnh xảy ra, việc sản xuất, chăm sóc của cà phê tại HTX cơ bản ổn định, không gặp khó khăn lớn, song HTX này lại đang tồn khoảng 2 tấn cà phê hòa tan, 1 tấn tinh chất cà phê.
Theo đánh giá, việc tạm dừng hoạt động của một số hệ thống siêu thị, hệ thống các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, giải khát dẫn đến sản lượng tiêu thụ mặt hàng cà phê bột của các đơn vị sản xuất cà phê giảm khoảng 40%, việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các đơn vị xuất khẩu giảm khoảng 40%; giá cà phê nhân giảm khoảng 20 - 30% so bình thường.
Ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh, ngành NN&PTNT đưa ra nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo sản xuất, gồm thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất, mùa vụ, diễn biến thị trường để tuyên truyền, hỗ trợ người dân tái sản xuất, tiêu thụ nông sản; phối hợp các địa phương xây dựng phương án huy động nguồn lực để sẵn sàng kịp thời hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển nông sản không bị ùn ứ; đề xuất phân bổ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nguồn nhân lực trong các cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, thu hoạch, vận chuyển, doanh nghiệp chế biến để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại ổn định.
|
Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện Covid-19; thường xuyên tham dự các diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm, triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đăng trên trang tin kết nối nhu cầu mua bán; chủ động tiếp nhận thông tin từ vùng sản xuất, thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm nông sản, các sản phẩm OCOP; đề ra một số giải pháp như đa dạng các kênh bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki...; đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào hệ thống chuỗi siêu thị của Công ty TNHH MM MEGA Market (Việt Nam); làm việc với hệ thống phân phối các tỉnh để cung cấp vào các cửa hàng bán lẻ và hệ thống trên cả nước…
Với các sản phẩm chính là trà sâm dây, trà khổ qua rừng, trước đây Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, huyện Đăk Tô gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch bệnh. Công ty đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất bằng việc duy trì khoảng 20-30% sản lượng so với bình thường để cung cấp sản phẩm cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ, siêu thị trong tỉnh và các tỉnh có tình hình dịch bệnh ổn định như Khánh Hòa, Quảng Nam.
Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên Lương Thị Mỹ Huệ cho biết: Trước chủ trương chung sống an toàn với dịch Covid-19 của Chính phủ, Công ty đã chuyển hướng sản phẩm với việc đẩy mạnh sản xuất và cung cấp sản phẩm Lá xông thảo dược, trước mắt cung cấp chủ yếu cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh thu của sản phẩm bình quân khoảng 400 triệu đồng/tháng, có tháng cao điểm đạt 1 tỷ đồng/tháng.
Ông Nguyễn Tấn Liêm cho biết thêm, ngành NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án chính sách tổng thể nông nghiệp nông thôn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030; kêu gọi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực mạnh vào đầu tư trên địa bàn tỉnh (Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn TH, Tập đoàn Hùng Nhơn...); thúc đẩy liên kết trong sản xuất để bảo đảm cho sự thông suốt của chuỗi sản xuất từ quy hoạch sản xuất, đến tổ chức sản xuất, chế biến, thu mua và tiêu thụ thành một mô hình, đây là giải pháp để giảm chi phí sản xuất, giá thành rẻ, chất lượng và nông sản truy xuất được nguồn gốc.
Song Ngân