Ngành GTVT: Chủ động phương án đảm bảo giao thông mùa mưa
Mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên sự chủ động các phương án phòng, chống, ứng phó sẽ không bao giờ thừa. Do đó, nhận thức rõ vai trò quan trọng của hệ thống giao thông nên ngành GTVT đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mùa mưa bão.
Mùa mưa bão năm 2021, mặc dù đã có sự chủ động tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thiên tai đã làm hệ thống giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng khá nặng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, 6 và áp thấp nhiêt đới trong tháng 9, 10/2021 gây mưa lớn kéo dài làm Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40 và Quốc lộ 40B đoạn qua tỉnh ta và các tuyến đường tỉnh bị sạt lở taluy dương, taluy âm, cống, cầu bị hư hỏng, cuốn trôi…gây ách tắc giao thông cục bộ. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa năm 2021 đối với hệ thống giao thông lên đến hơn 31 tỷ đồng.
Xác định mưa lũ ngày càng phức tạp, khó lường và sẽ ảnh hưởng tới các công trình giao thông cũng như sự an toàn của người dân trong mùa mưa bão, nên từ đầu năm 2022, ngành GTVT đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong mọi tình huống. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo PCLB của Sở, phân công cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các tuyến đường phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường triển khai các phương án phòng chống hiệu quả.
Ngoài ra, Sở yêu cầu đơn vị được giao quản lý đường tăng cường tuần tra, rà soát, xác định những vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở trên tất cả các tuyến đường, cắm biển cảnh báo cho người dân biết đề phòng; đồng thời tập kết vật liệu tại những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông để ứng phó kịp thời, nhanh khi xảy ra sự cố. Sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý chủ động chuẩn bị sẵn máy móc, nhân lực kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi có mưa bão.
|
Đặc biệt, để khắc phục sạt lở, tránh ách tắc giao thông lâu, ngành GTVT cũng chuẩn bị sẵn vật tư gồm gần 300 rọ đá, gần 1.400m3 đá hộc và 1 dàn cầu treo, 3 dàn cầu thép Bailey (đã tập kết tại kho vật tư của các đơn vị quản lý đường và các vị trí xung yếu), đồng thời, có phương án huy động thêm máy móc, thiết bị của các đơn vị xây dựng giao thông để ứng cứu.
Ngoài những vật tư nói trên, khi cần ứng cứu sự cố trôi cầu, đứt đường, Sở GTVT báo cáo với UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS của tỉnh để mượn dàn cầu Bailey của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Cục Quản lý đường bộ III tập trung ứng cứu nhanh nhất. Cùng với đó, Sở sẽ huy động xe, máy của các đơn vị quản lý đường và các đơn vị đang thi công trên địa bàn tỉnh để ứng cứu và triển khai khắc phục nhanh nhất sự cố.
Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Đăk Bình (đơn vị được giao quản lý Quốc lộ 40B; các Tỉnh lộ 672, 678), đến nay, đơn vị đã chủ động triển khai xây dựng phương án chi tiết, cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên mỗi tuyến đường, đơn vị đều cử cán bộ theo dõi và thường xuyên đi kiểm tra những điểm xung yếu, cắm hệ thống cảnh báo để người dân đề phòng. Đơn vị cũng đã kiểm tra, xác định các vị trí xung yếu, tập kết vật liệu, chuẩn bị sẵn thiết bị, vật tư tại các vị trí thuận lợi nhất để ứng cứu ngay khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.
“Từ cuối mùa khô, chúng tôi đã cho công nhân tiến hành cắt cỏ, phát quang, bạt lề, khơi rãnh thoát nước vá ổ gà trên dọc các tuyến đường quản lý và tập kết vật tư, đá hộc, đồng thời có phương án huy động nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố sạt lở sớm thông tuyến, không để ách tắc giao thông kéo dài..”-ông Đặng Quang Vỹ, Giám đốc Công ty TNHH Đăk Bình cho hay.
Tương tự, Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum (đơn vị được giao quản lý các Tỉnh lộ 673,675,676,677, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; đường tái định cư thủy điện PleiKrông, đường Sa Thầy - Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô Làng Rẽ (Mô Ray) huyện Sa Thầy; đường Đăk Kôi - Đăk Pxi..) cũng xây dựng phương án phòng chống chi tiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, đơn vị cũng chỉ đạo các Hạt quản lý tại các huyện tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm các vị trí nguy cơ sạt lở dẫn đến tắc đường để tổ chức khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão.
Cùng với các phương án phòng chống sạt lở, tắc đường, ngành GTVT cũng xây dựng phương án cụ thể về hướng đi khi một số tuyến đường bị ách tắc nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Riêng đối với những tuyến đường không có tuyến tránh hoặc không có đường khác để lưu thông, khi xảy ra sự cố sạt lở sẽ huy động thiết bị, máy móc của các đơn vị xây dựng trên địa bàn tổ chức khắc phục để sớm thông đường, đảm bảo giao thông.
Với sự chủ động ứng phó của ngành GTVT sẽ hạn chế được những thiệt hại về người và của, khắc phục nhanh sự cố sạt lở, tắc đường khi có mưa bão xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Phúc Nguyên