Nâng tầm giá trị dược liệu Tu Mơ Rông
Năm 2020, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó 15 sản phẩm đạt từ 2 - 4 sao cấp tỉnh. Việc phát triển sản phẩm OCOP đã xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị dược liệu giúp dễ dàng tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Năm nay vợ chồng anh A Hiền (làng Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) trồng được 2 sào hồng đẳng sâm, loại cây dược liệu mà người dân thường gọi nôm na là sâm dây.
Tháng cuối năm, thu hoạch 1 sào được 1 tấn củ, bán với giá 80.000 đồng/kg củ tươi, vợ chồng anh Hiền đã có 80 triệu đồng. Anh Hiền cho biết, từ năm ngoái anh tham gia cùng hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ làm sản phẩm OCOP nên không còn phải lo không bán được sâm dây. Không những thế, trước đây chỉ bán được 50.000/kg thì nay bán cho cơ sở chế biến ngay tại xã cũng được 80.000/kg.
|
“Có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của Chương trình OCOP, mình trồng sâm dây rất có lợi. Trước đây, đến mùa thu hoạch chỉ đào chút một đi bán thôi. Bây giờ tham gia làm OCOP có lịch thu hoạch, mình cứ thế mà làm. Giá thu mua sâm dây cao, lại ổn định đầu ra nên vụ vừa rồi mình mới dám tìm mua giống sâm dây để trồng đấy chứ. Có OCOP, trồng sâm dây có thu nhập hơn hẳn cây trồng khác” - Anh A Hiền phấn khởi nói.
Từ định hướng, hỗ trợ của chính quyền xã Tê Xăng và huyện Tu Mơ Rông, đầu năm 2020, hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ (thôn Tân Ba) có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Sâm dây tươi hút chân không, Trà túi lọc sâm dây, Trà túi lọc ngũ vị tử và Sâm dây khô hút chân không. Đây được coi là cuộc “lột xác” ngoạn mục của cây dược liệu ở Tu Mơ Rông, tạo sự thay đổi tích cực trong tư duy của đồng bào DTTS tại chỗ.
Anh Trần Duy Long - cán bộ Văn hóa xã Tê Xăng, cho biết: “Thông qua Chương trình OCOP, bà con đã giới thiệu được một số sản phẩm như sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra ra thị trường; người tiêu dùng trên mọi miền đất nước đã biết về sản phẩm. Qua đó góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con từ đó có động lực để tham gia phát triển sản xuất”.
|
Trong các sản phẩm OCOP của huyện Tu Mơ Rông có 2 sản phẩm đang dẫn đầu cấp tỉnh với 4 sao, gồm Trà sâm Ngọc Linh hòa tan và nước uống Collagen sâm Ngọc Linh. Mới chỉ cách đây vài năm, ít người nghĩ những sản phẩm thảo dược của Tu Mơ Rông lại có thể được trưng bày một cách trang trọng trên các kệ hàng trong nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng khắp cả nước.
Bà Y Liễu - Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông cho rằng, đây là động lực rất lớn để chính quyền xã thúc đẩy sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích cây dược liệu. “Chính quyền xã đang vận động người dân bỏ bớt cây mì, cây bời lời để trồng dược liệu. Các loại cây trồng khác thì đầu ra thường gặp khó khăn nhưng cây dược liệu thì không thế. Từ lợi ích kinh tế mà cây dược liệu mang lại, người dân xã Tu Mơ Rông đang rất mong muốn được hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử”.
Đến cuối năm 2020 các xã của huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 2 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hầu hết các sản phẩm OCOP của các xã ở huyện Tu Mơ Rông đều sử dụng nguyên liệu là nguồn dược liệu bản địa.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, việc xây dựng sản phẩm OCOP đang là giải pháp tốt nhất để biến tiềm năng dược liệu của huyện thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện có 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng người dân trồng được hơn 23ha. Với mỗi kg sâm Ngọc Linh tươi bán theo giá thị trường khoảng 150 triệu đồng như hiện nay, ở Tu Mơ Rông không ít người Xơ Đăng đã thành triệu phú, tỷ phú. Cũng từ thành công trong xây dựng sản phẩm OCOP, các loại dược liệu ngày càng tăng giá trị và tạo động lực cho sản xuất phát triển, như cây sâm dây năm 2020 diện tích tăng hơn gấp đôi so với năm trước, đạt 144ha.
Trong bối cảnh năm 2020 có nhiều khó khăn, thách thức, việc chính quyền và người dân các xã của huyện Tu Mơ Rông phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị dược liệu bản địa là điểm sáng trong phát triển kinh tế của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Đây cũng là tiền đề quan trọng để trong 5 năm tới, huyện Tu Mơ Rông hoàn thành mục tiêu phát triển thêm trên 3.000ha cây dược liệu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.
Khoa Điềm