Nan giải quản lý thị trường sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh của người dân ngày càng tăng cao. Trong khi đó, những tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, giá cả… hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện khiến cho việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng còn nan giải và gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, tỉnh ta có nhiều chính sách, chương trình đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh và triển khai nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen của cây sâm Ngọc Linh… nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh một cách bền vững, hiệu quả. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng thành công vườn ươm giống gốc sâm Ngọc Linh với diện tích 15 ha. Toàn tỉnh trồng được 660 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, doanh nghiệp có khoảng 630 ha, người dân trồng phân tán khoảng 30 ha.
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu địa phương nói chung, đặc biệt là sâm Ngọc Linh nói riêng nhằm nâng cao giá trị hàng hóa của sâm Ngọc Linh.
Ngành Công thương đang từng bước triển khai xúc tiến chương trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh với nhiều hoạt động như hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dược liệu trong đó có sâm Ngọc Linh, công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại; phối hợp các bộ, ngành Trung ương đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường thế giới; tổ chức xây dựng, kết nối chuỗi phân phối các sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trong và ngoài nước.
|
Ngành Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài với sự tham gia của các nhà khoa học vào việc tuyển chọn bằng di truyền phân tử những giống sâm đạt năng suất, đồng đều về chất lượng để có một giống chuẩn sâm Ngọc Linh…
Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, những năm qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế tăng cường quản lý, theo dõi, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh. Qua đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm trong lĩnh vực này.
Các ngành, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh không mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý đối với mặt hàng sâm Ngọc Linh trên địa bàn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và là một thách thức đối với ngành chức năng.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng và lợi nhuận từ việc mua bán sâm Ngọc Linh quá cao nên một số cá nhân đã lợi dụng các dược liệu khác hoặc các loại củ có hình dáng, màu sắc giống sâm Ngọc Linh để mua bán, giới thiệu là sâm Ngọc Linh. Thủ đoạn phổ biến hiện nay của các đối tượng là sử dụng củ tam thất hoang, củ ráy... mà bằng mắt thường chúng ta rất khó để phân biệt được sản phẩm giả với củ sâm Ngọc Linh để trộn lẫn, giới thiệu, chào bán. Ngoài ra, gian thương còn sử dụng những chiêu trò như nối ghép các loại củ vào đoạn củ sâm Ngọc Linh thật, độn bi sắt vào để tăng trọng lượng, nhập loại sâm không rõ nguồn gốc có hình thái giống như sâm Ngọc Linh trộn chung với sâm Ngọc Linh thật để bán cho người tiêu dùng; kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng… cũng đang có chiều hướng gia tăng.
|
Mặc dù hiện tại, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, trong đó có quy định tính chất, chất lượng, đặc thù của sâm Ngọc Linh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của sâm Ngọc Linh để đối chiếu, so sánh làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm về kinh doanh sâm Ngọc Linh giả, giả mạo chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”. Trên thực tế việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả hầu như chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí cao và cần nhiều thời gian, nếu trong trường hợp số lượng sản phẩm vi phạm lớn ngành chức năng không thể lấy mẫu 1 sản phẩm để kết luận toàn bộ kho hàng là sâm Ngọc Linh giả. Ngoài ra, vì giá trị của sâm Ngọc Linh rất lớn, thời gian bảo quản củ sâm Ngọc Linh ngắn (khoảng 1 tuần) nên việc tạm giữ các hàng hóa bị nghi ngờ giả mạo sâm Ngọc Linh là rất khó khăn.
Một nguyên nhân quan trọng khiến cho việc quản lý trị trường sâm Ngọc Linh còn nhiều khó khăn là, việc rao bán sâm Ngọc Linh thường được các đối tượng thực hiện trên các trang web, mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Địa điểm kinh doanh thường là nhà ở, hàng hóa được cất giấu ở nơi kín đáo nên khó có thể phát hiện hoặc xác định được là để dùng trong gia đình hay phục vụ mục đích kinh doanh. Khi có cơ quan chức năng đến thì chủ cơ sở đóng cửa, không tiếp để né tránh việc kiểm tra…
Sâm Ngọc Linh không chỉ là một loại dược liệu có giá trị kinh tế của tỉnh ta mà còn được ví như là “bảo vật quốc gia”. Do đó, để khai thác hiệu quả giá trị của sâm Ngọc Linh thì cùng với chú trọng mở rộng diện tích, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong chế biến, kinh doanh mặt hàng này cần được siết chặt để không làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Thùy Hương