Mùa dâu tây Măng Đen
Sau thời gian chăm sóc, những vườn dâu tây ở Măng Đen cũng vào vụ thu hoạch. Cùng với những loại rau, củ quả khác, những luống dâu xanh với quả đỏ mọng trải dài trong không gian thoáng đãng, mát mẻ vừa là địa điểm cho khách tham quan, du lịch, vừa mang lại thu nhập cao cho người vun trồng.
Vào vụ
Dây tây là cây trồng có nguồn gốc từ các nước xứ lạnh được du nhập vào nước ta và được trồng nhiều trên các vùng núi, cao nguyên có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt (Lâm Đồng) và Kon Plông (Kon Tum)... Qua thực tế sản xuất, cây dâu tây thích nghi tốt và đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực gắn với du lịch sinh thái ở Măng Đen.
Để tìm hiểu mùa thu hoạch dâu tây, tôi về một cơ sở sản xuất dâu ở Măng Đen. Chỉ sau vài phút chờ đợi, cô Nguyễn Thị Thiện Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum (thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) mang ra 3 ly nước ép dâu rất bắt mắt. Đi đường dài, trời lại nắng nóng khiến cơ thể khá mệt, thế nhưng, ly nước dâu với vị ngọt thanh, dịu mát đã xua tan mệt mỏi. “Cô không bỏ đường đâu, dâu mới hái, tươi mà vị ngọt lắm” – cô Mỹ niềm nở nói.
Để minh chứng cho những lời mình nói, cô Mỹ dẫn chúng tôi ra tham quan vườn dâu đang vào mùa thu hoạch. Dưới ánh nắng chiều, những luống dâu xanh với quả đỏ mọng trải dài trong không gian thoáng mát, sạch sẽ càng thêm bắt mắt. Hái, phủi sơ bụi và ăn trực tiếp quả như lời cô giới thiệu, dâu ngon, giòn tưng, căng mọng nước, vị ngọt thanh, mang lại cảm giác rất dễ chịu.
Trong không gian rộng 9ha, cô Mỹ trồng đủ loại rau quả. Song, những năm trở lại đây, chọn dâu tây làm cây trồng chủ lực nên cô dành 7 sào đất để trồng. Cô trồng 3,5 sào ngoài đất tự nhiên, trồng 2 sào trong vườn lưới và 1,5 sào trong nhà kính.
|
Không phải ngẫu nhiên chọn dâu làm cây trồng chủ lực của nông trại. Theo lời cô Mỹ, dâu tây được xuống giống vào tháng 7, tháng 8 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Mặc dù tốn công chăm sóc và yêu cầu phải có kỹ thuật, tuy nhiên, dâu tây mang lại thu nhập cao. “Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày, 1 sào cho ít nhất 40kg quả. Hiện nay, giá dâu tây dao động từ 200-300 ngàn/kg, việc thu hoạch liên tục trong vòng nhiều tháng sẽ mang lại thu nhập khá. So với các loại rau hoa khác, dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao”-cô Mỹ tính toán.
Hiện nay, ngoài việc cung ứng trong tỉnh, cô còn cung ứng dâu tây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Không chỉ bán dâu, cô Mỹ cho biết, sắp tới sẽ quy hoạch một vùng dâu để phục vụ du khách đến tham quan, chụp hình và trải nghiệm, phát triển du lịch nông nghiệp.
Không riêng cô Mỹ, cũng trồng dâu tây từ lâu và hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp nên từ Tết Nguyên đán đến nay, vườn dâu nhà anh Lê Văn Tú ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành luôn tấp nập người đến tham quan, du lịch. Khách đến tham quan vườn dâu không mất vé, có thể tự hái dâu và mua tại vườn. Thông thường, 1kg dâu khách tự hái, tự mua sẽ có giá cao hơn so với giá chủ vườn hái bán khoảng 30-50 ngàn đồng tùy loại. “Có thời điểm, khách quá đông, vườn phải đóng cửa, treo biển không đón khách. Sau Tết Nguyên đán, những ngày thứ 7, chủ nhật khách đổ về tấp nập. Thay vì bán dâu ra các tỉnh khác, tôi chủ yếu bán dâu tại vườn cho khách đến trải nghiệm” – anh Tú cho hay.
Ngoài việc bán cho khách tham quan, anh Tú còn “ship” hàng đến các địa điểm trên địa bàn tỉnh. “Vì chỉ có 2 sào dâu, mỗi ngày thu hoạch được vài chục kg nên chỉ đủ bán trong tỉnh thôi” – anh Tú chia sẻ.
Kỳ vọng
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, hơn thế, việc canh tác hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý sâu bệnh nên sản phẩm dâu tây Măng Đen vừa chất lượng, vừa an toàn. “So với dâu tây ở những địa điểm khác, dâu tây ở Măng Đen không kém cạnh. Thế nhưng, hiện nay, dâu tây Măng Đen chưa có thương hiệu nên vẫn lép vế”- cô Mỹ bày tỏ.
Từ những hiệu quả mà cây dâu tây đem lại, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho dâu tây, cô Mỹ đã mang sản phẩm tại vườn tham gia dự thi OCOP cấp huyện. Ngoài việc chờ đợi vào kết quả, cô cũng tự quảng bá ra thị trường bằng chính chất lượng của sản phẩm. “Tôi mong muốn chính quyền có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu dâu tây Măng Đen. Một khi có thương hiệu, chắc chắn sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến và thị trường tiêu thụ cũng đa dạng và phong phú hơn”- cô Mỹ mong muốn.
|
Mặc dù hiện nay, sản phẩm dâu tây chín đến đâu, hết đến đó, nhưng anh Tú khẳng định, ngoài 2 sào dâu tây hiện tại đang trồng, anh sẽ không mở rộng diện tích. Giải thích về điều này, anh cho biết, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ dâu tây. Bản thân anh, chưa có các thị trường lớn cũng như chưa có các cơ sở chế biến sản phẩm từ dâu tây, bởi vậy, anh không dám mở rộng diện tích, sợ gặp rủi ro cao. “Nếu bán không được, không có cách chế biến, dâu tây sẽ hư hỏng ngay. Bởi vậy, ngoài việc định hướng, cải tạo vườn để khách tham quan, du lịch, bản thân tôi chưa có ý định sẽ phát triển thêm về loại cây này” – anh Tú cho hay.
Trong đề án phát triển rau hoa xứ lạnh theo quy hoạch, dâu tây là một trong những sản phẩm được định hướng phát triển. Không phải là cây trồng mới, nhưng hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có vài doanh nghiệp tham gia trồng dâu tây, phát triển được hơn 2ha. Ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết, để xây dựng thương hiệu dâu tây Măng Đen, UBND huyện đã hỗ trợ làm nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn đối với sản phẩm dâu tây Măng Đen. Hiện nay, dâu tây là 1 trong 22 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Ngoài ra, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên giới thiệu, đưa sản phẩm dâu tây Măng Đen bày bán tại các hội chợ trong khu vực cũng như các hội chợ ở các địa phương. “Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp trồng dâu tây, vừa bán sản phẩm, vừa thu hút du lịch. Tin rằng, với chất lượng cao, có nhãn hiệu, dâu tây Măng Đen sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn”- ông Bình kỳ vọng.
Hoài Tiến