Mong ước những cây cầu
Những ngày này, hàng trăm hộ dân ở xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) có chung một mong ước là có cây cầu mới để đi lại an toàn, xe máy không phải bươn qua suối rồi ngập nước chết máy giữa dòng.
|
Đăk Na chào đón chúng tôi bằng một trận mưa xối xả, mưa mịt mù trời đất. Sau một hồi loay hoay, anh A Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na đã tìm được chiếc xe máy khỏe nhất để đưa tôi đến khu sản xuất của 93 hộ dân làng Kon Chai và Lê Văng.
Con đường từ trụ sở UBND xã đến khu sản xuất có đoạn dốc thẳng đứng chỉ vừa một người đi, một bên đường là ta luy dương đất cao qua đầu, bên còn lại là vực sâu, đường trơn như mỡ, chỉ cần lỏng tay lái là lao thẳng xuống chân núi.
Đến suối Đăk Na, anh Dũng dừng lại trước “cầu khỉ”, chép miệng lắc đầu nhìn A Bêm (27 tuổi) đang xoay sở với chiếc xe chết máy giữa lòng suối, trên xe có 2 bao gừng giống.
Đi bộ theo con đường dẫn xuống suối, tôi cùng anh Dũng giúp A Bêm lôi từng bao hàng cùng chiếc xe của em lên bờ sửa chữa. A Bêm thành thạo như một thợ sửa xe máy thực thụ, có lẽ em đã quen với việc xe hỏng giữa đường, giữa suối. A Bêm tâm sự: “Hễ trời mưa, nước dâng cao, xe lội qua nước ngập vào bugi khiến xe tắt máy. Mình chỉ mong ngày nào cũng có nắng để đi qua cầu khỉ không bị trơn trượt, xe máy qua suối không bị nước ngập chết máy”.
Xe nổ máy, A Bêm tiếp tục chở những bao gừng giống trên con dốc thẳng đứng vào khu sản xuất, còn chúng tôi quyết định “liều mình” qua cầu thay vì chạy xe qua suối như A Bêm.
Để xe nơi đầu cầu, anh Dũng đặt những bước chân đầu tiên lên mặt cầu, tay nắm chặt thành cầu, bước nhẹ từng bước, thi thoảng chân run cầm cập rồi lại đứng vững.
Gọi là mặt cầu, nhưng thực chất là những tấm ván bìa, rộng tầm hơn 20 phân, đoạn giữa có lẽ tấm ván đã rơi xuống lòng suối nên thay bằng nhiều cây săm lũ ghép lại. Còn thành cầu, được tạo nên từ những thanh sắt phi 6 do xã hỗ trợ, siết chặt vào 2 cột gỗ chôn cố định hai bên thành suối, nhìn thoáng qua thì có nét giống cầu treo nhưng rất nguy hiểm.
Anh Dũng đi đến giữa cầu, tôi mới bắt đầu đi những bước đầu tiên. Tay cầm chắc “thành” cầu, cầu liên tục chao đảo cho đến khi anh Dũng đến bờ bên kia mới ngừng. Còn tôi vẫn nín thở, toát mồ hôi hột bước từng bước, không dám nhìn xung quanh, chỉ dám nhìn đôi chân để bước sao cho chính xác và nhẹ nhàng nhất. Đến nơi, tôi thở phào: “Như chơi trò chơi mạo hiểm anh Dũng nhỉ”.
Tiếp lời tôi, anh Dũng nói: Cầu này có tên là cầu treo Nông Pot, dài hơn 30m, do dân tự làm và tự đặt tên. Riêng cầu này mấy đứa nhỏ không dám đi đâu, các cháu toàn lội qua suối. Trước đây, cầu này được làm bằng gỗ với tre, nhưng cơn bão năm ngoái đã cuốn trôi, sau đó xã hỗ trợ sắt để bà con làm lại, có lối để đi bộ qua không phải lội suối.
Anh Dũng kể tiếp: Cầu Nông Pot là tuyến giao thông quan trọng, giúp bà con không phải lội suối cũng có thể đến được khu sản xuất tập trung và nơi trồng dược liệu của bà con. Tuy nhiên đến mua thu hoạch nông sản, bà con không thể cõng nông sản qua cầu và phải đèo qua suối, rất vất vả.
|
Cũng không khá hơn là bao, cây “cầu khỉ” dài hơn 60m vào khu sản xuất của 230 hộ thuộc 3 thôn Đăk Rê 1, Đăk Rê 2 và thôn Hà Lăng đang ngày càng xuống cấp. Cùng anh Dũng đến mục sở thị cây cầu, tôi mới thấy bà con nơi đây thật cần mẫn, kiên cường và chịu đựng. Họ sống và làm việc mỗi ngày, họ đối mặt với nguy hiểm khi đi qua cây cầu dặt dẹo hơn 10 năm nay.
Ông A Lối (53 tuổi) ở thôn Đăk Rê 1 thổ lộ: Hơn 10 năm nay, tôi và người dân trong làng ngày nào cũng qua cây cầu này. Có nó cũng tiện, đỡ phải lội suối thế nhưng xe máy đi lên cầu thì rất khó và nguy hiểm. Đặc biệt là mùa mưa đến, mặt cầu làm bằng ván nên trơn trượt vô cùng, muốn đi xe máy phải dùng hai chân bám lên thành cầu để giữ thăng bằng cho xe, nhích ga từng chút một, chậm rãi cũng đến được bờ.
Anh A Dũng cho biết, cây cầu này được xã làm vào năm 2009, với vật liệu đơn giản như sắt phi 6, ván, cột gỗ và dựng theo kiểu cầu treo. Nhiều lần cầu hư hỏng, xuống cấp, vì không có kinh phí nên chính quyền xã chỉ hỗ trợ sắt, thép còn người dân tự bỏ công sửa chữa.
Được biết, ở xã Đăk Na, ngoài 2 cây cầu chúng tôi nói trên vẫn còn một vài cây “cầu khỉ” do xã cùng bà con tự làm để phục vụ đời sống, giúp việc đi lại được thuận tiện dễ dàng hơn. Mong rằng trong thời gian tới, xã Đăk Na sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm để đầu tư nguồn lực đưa giấc mơ có cầu đi lại an toàn của bà con thành hiện thực.
Văn Tùng